Khi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 'nâng tầm' truyền tải điện

TP - Những năm qua, Truyền tải điện miền Đông 2 (Công ty Truyền tải điện 4 - PTC4, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, góp phần giảm chi phí hoạt động sản xuất.

Ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ để nâng cao năng suất lao động

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Truyền tải điện miền Đông 2 - Công ty Truyền tải điện 4 (Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia) cho biết, trong thời gian qua, Truyền tải điện miền Đông 2 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý tài chính, giúp tăng năng suất lao động, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị của đơn vị như: tiết kiệm chi phí in ấn và nhân công; hồ sơ lưu trữ gọn và giảm diện tích kho lưu trữ hồ sơ giấy; giảm thời gian thực hiện công việc; các nghiệp vụ được thực hiện chuẩn xác, không sai sót; chuẩn hóa toàn bộ các mẫu biểu, hồ sơ, quy trình cập nhật, trình tự thủ tục..., đảm bảo tính công khai, minh bạch, sự giám sát của các cấp quản lý trong từng công đoạn.

Cán bộ Công ty Truyền tải điện 4 ứng dụng UAV trong quản lý, vận hành đường dây truyền tải điện. Ảnh: Nguyễn Bằng

Theo ông Hoàng, việc số hóa quy trình cũng từng bước “phẳng hóa” giới hạn về không gian, vị trí địa lý giữa các phòng, đội, trạm, tổ thao tác lưu động. Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, Truyền tải điện miền Đông 2 đã không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý, vận hành đường dây truyền tải, giúp giảm tổn thất điện năng và đảm bảo cung ứng điện.

Dùng "rồng lửa" UAV để đốt các vật thể mắc trên đường dây truyền tải điện

Nói về những việc đã làm được, lãnh đạo Truyền tải điện miền Đông 2 cho biết, hệ thống đường dây truyền tải điện đơn vị đang quản lý đi qua 22 huyện, thị, hơn 100 phường, xã với nhiều địa hình khác nhau như khu dân cư, rừng phòng hộ, khu trồng cây công nghiệp, đồng ruộng, sông ngòi. Vì vậy, việc ứng dụng UAV trong quản lý, kiểm tra đường dây đã mang lại những hiệu quả thiết thực. “Đến nay, Truyền tải điện miền Đông 2 là đơn vị đầu tiên trong Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia hoàn thành 100% kế hoạch thiết lập đường bay tự động bằng UAV để kiểm tra lưới điện”, ông Hoàng cho hay.

Việc ứng dụng UAV trong quản lý, vận hành đường dây truyền tải điện giúp nâng cao năng suất lao động

Anh Lê Đình Luân, nhân viên vận hành đường dây Đội Truyền tải điện Bù Đăng (Truyền tải điện miền Đông 2) cho biết, việc sử dụng UAV để kiểm tra lưới điện giúp nhân viên vận hành tiếp cận nhanh các vị trí cột, các thiết bị trên lưới điện mà người công nhân khó tiếp cận trực tiếp hoặc mất nhiều thời gian để tiếp cận nhất là đối với các cột ở địa hình đồi núi, thung lũng, các cột vượt cao.

Việc ứng dụng công nghệ và UAV cũng giúp nhân viên vận hành có cái nhìn tổng quan đường dây từ trên cao bao quát hơn như khu vực, quy mô cháy, khai thác rừng, điều kiện địa hình... Từ đó nhìn nhận và đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến vận hành đường dây toàn diện hơn.

“Sử dụng UAV mang lại, giúp tiết kiệm thời gian kiểm tra lưới điện do người công nhân không phải di chuyển đến vị trí cột nữa và không phải đi bộ dọc hành lang để kiểm tra. Thời gian kiểm tra 1 vị trí cột và hành lang cũng giúp tiết kiệm khoảng 20-30% so với phương pháp kiểm tra trước kia.

Cũng theo anh Luân, địa hình đường dây của Đội Truyền tải điện Bù Đăng quản lý đường ra vào tuyến rất khó khăn, hầu hết đi qua vườn rẫy canh tác của người dân gây khó khăn cho công tác vận chuyển thiết bị đến nơi làm việc. Cùng với đó, do là công nghệ, ứng dụng mới nên công nhân vận hành cũng gặp nhiều khó khăn do UAV phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng. Cùng đó, giá trị của UAV rất cao, yêu cầu người điều khiển phải thật cẩn thận cũng khiến công nhân cảm thấy thiếu tự tin khi được giao nhiệm vụ với UAV.

Tuy nhiên với tinh thần nhiệt huyết, các cá nhân và tập thể đã luôn học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, biến nhiệm vụ thành niềm đam mê công nghệ và cố gắng sắp xếp công việc, thời gian hợp lý, hoàn thành sớm kế hoạch bay. Truyền tải điện miền Đông 2 đã hoàn tất thiết lập đường bay tự động bằng UAV từ 24/5/2023. Vừa qua, các đơn vị truyền tải trong PTC4 cũng đã cử cán bộ nhân viên cùng tham gia với tổ bay của chúng tôi để học hỏi. PTC4 cũng giao Truyền tải điện miền Đông 2 hỗ trợ nhân sự và thiết bị bay để cùng thực hiện thiết lập đường bay tự động với các đơn vị trong thời gian đầu.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Truyền tải điện miền Đông 2 còn liên tục đổi mới, cải tiến phương thức quản lý vận hành, do vậy không chỉ đưa vào ứng dụng UAV để kiểm tra đường dây truyền tải, các kỹ sư của công ty còn nghiên cứu, thiết kế, cải tiến để dùng UAV công suất lớn trong việc rửa sứ (áp dụng phương thức phun thuốc trừ sâu của nông dân) để thay thế cho việc công nhân phải leo lên cột và dùng vòi để rửa sứ. Cùng đó, đơn vị cũng cải tiến các UAV thành "rồng lửa" (sử dụng sáng kiến chế tạo bộ phun xăng sử dụng nguồn nhiệt điều khiển từ xa lắp trên UAV Matric 300 đã được phê duyệt) đốt từ khoảng cách 3-4m các vật thể bay, diều mắc trên các đường dây 500 kV, 220kV mà không phải cắt điện đường dây.

Ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất

Theo ông Bùi Văn Hoàng, những năm qua, Truyền tải điện miền Đông 2 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, góp phần giảm chi phí hoạt động sản xuất. Đến nay, Truyền tải điện miền Đông 2 đã triển khai thành lập kế hoạch bay UAV chi tiết cho từng đường dây của từng đội truyền tải điện (gồm 5 đội) với tổng chiều dài đường dây là 1.430km, với 2.055 cột.

Việc áp dụng UAV kiểm tra đường dây cũng giúp dễ dàng đánh giá các khiếm khuyết của phụ kiện, cách điện, dây dẫn, dây chống sét, đánh giá tổng quát hành lang an toàn đường dây và lưu trữ để so sánh đánh giá lần kiểm tra tiếp theo. Cùng với đó, giúp giảm khối lượng công việc cho công nhân leo lên cột để kiểm tra đồng thời giúp giảm nhân công trong công tác đo nhiệt độ định kỳ của các mối nối dây dẫn, khoá néo ép; tầm soát nhiệt độ chuỗi sứ composit…

Theo lãnh đạo Truyền tải điện miền Đông 2, hiện đơn vị đang đăng ký đề tài kỹ thuật, chờ tập đoàn duyệt sáng kiến dùng UAV để rửa sứ. Sau các lần cải tiến, hiện các UAV mỗi lần cất cánh có thể rửa được 6 chuỗi sứ với thời gian bay 15 phút, chở 20 lít nước. Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến để UAV có thể mang tối đa 40 lít. Nếu đề tài được duyệt thì sẽ phối hợp với nhà sản xuất để chế tạo chính thức các UAV sửa sứ để áp dụng trong toàn đơn vị. Truyền tải điện cũng đang nghiên cứu chế tạo robot bôi mỡ chống sét cho đường dây. Trước công nhân phải dùng tay đi theo đường dây để bôi mỡ chống sét. Giờ đơn vị đã chế tạo được robot điều khiển từ xa bò từ điểm A-B để bôi toàn bộ mỡ chống sét và vận hành trong khi đường dây vẫn đang vận hành, đang có điện.

“Đơn vị đã áp dụng UAV Matric 300 để đốt diều và vật bay vướng trên đường dây khi mang điện mà không cần cắt điện. Sáng kiến chế tạo bộ phun xăng sử dụng nguồn nhiệt điều khiển từ xa lắp trên UAV Matric 300 của công ty đã được Tổng công ty phê duyệt và áp dụng từ năm 2021 đến nay”, ông Hoàng cho hay.