Khi chồng trốn… yêu

TP - Trong số này, Tiền Phong Chủ nhật mời các bác sĩ trả lời một số câu hỏi bạn đọc gửi đến hộp thư thithambengoitp@gmail.com thời gian gần đây. Hộp thư luôn sẵn sàng chia sẻ với các bạn trước những vấn đề “thắc mắc biết hỏi ai” này.
Ảnh minh họa

Chị gái tôi năm nay mới hơn 40 tuổi nhưng chu kỳ phụ nữ đã trục trặc. Tôi khuyên chị đi khám bác sĩ sản phụ khoa nhưng chị còn ngần ngại. Tôi muốn bác sĩ tư vấn để lời khuyên của tôi có trọng lượng hơn với chị ấy. Xin cảm ơn bác sĩ.

Hoa H.(Phố Giảng Võ, Hà Nội)

TS.BS. Phan Chí Thành (BV Phụ sản Trung ương) trả lời: Kinh nguyệt chính là tấm gương phản ánh sức khỏe của người phụ nữ. Bình thường buồng trứng của người phụ nữ hàng tháng phải sản xuất ra 1 nang trứng chín. Nang trứng có 2 chức năng. Một là tạo ra noãn để thụ thai với tinh trùng, để người phụ nữ có thể mang thai. Với chức năng thứ hai thì nang trứng chính là một cái kho về nội tiết tố, được coi như phân bón để bón cho toàn bộ cơ thể.

Nếu có chu kỳ kinh nguyệt không đều, giả dụ như 2-3 tháng thậm chí 6 tháng thấy kinh một lần; Hoặc ngược lại, chỉ 15 ngày lại thấy một chu kỳ mới thì nhất thiết phải đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Bởi vì sự thăm khám này ngoài việc phát hiện bệnh lý thì còn có thể phát hiện ra những vấn đề cực kỳ quan trọng chả hạn như là liệu có bị mãn kinh sớm hay không. Vì mãn kinh sớm để lại nhiều hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần của phụ nữ.

Hậu quả của mãn kinh sớm có 2 vấn đề chính. Một là những người mãn kinh quá sớm mà còn mong muốn có con thì ước mơ là không thể. Hai là sụt giảm nội tiết tố. Chúng ta vẫn hiểu đại thể, mãn kinh sớm là không còn khả năng sinh sản, tuy nhiên hậu quả của nó nặng nề hơn nhiều: Loãng xương, sập đốt sống, gãy cổ xương đùi, tiểu đường, tim mạch… Và cuối cùng là rút ngắn tuổi thọ.

Người mãn kinh sớm thì chỉ cần 40-45 đã có những triệu chứng mãn kinh cực kỳ nghiêm trọng.

Tôi nghe nói cái sự “yếu” của đàn ông là dấu hiệu sớm của những căn bệnh khá nguy hiểm. Vậy đó chính xác là bệnh gì? Và tôi phải làm gì để giúp đỡ chồng mình, xin lời khuyên từ bác sĩ?

Minh V. (Phố Pháo Đài Láng, Hà Nội)

PGS.TS. Nguyễn Hoài Bắc (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) trả lời: Phản ứng trốn “yêu” khiến tình hình ngày càng trở nên khó cứu vãn với các ông. Chỉ có sự tinh tế, thấu hiểu tâm lý đàn ông của người bạn đời mới có thể giúp chồng mình vượt qua tình trạng đó. Chồng chị cũng thật may mắn vì qua cách hỏi, chúng tôi đoán chị là người hiểu biết, tế nhị.

Lời khuyên cho vợ chồng chị là hãy sớm gặp các bác sĩ chuyên khoa. Liệu pháp testosterone thay thế đang được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị hội chứng này của các quý ông.

Sự thiếu hụt ham muốn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chăn gối của một cặp đôi. Với đàn ông, đó còn là nguyên nhân tiềm ẩn của những căn bệnh như loãng xương, các bệnh lý tim mạch…

Tôi đọc sách báo nghe nói nhiều đến “điểm G”, đến cảm giác thăng hoa của người phụ nữ khi “yêu”, nhưng thú thật là bản thân chưa khi nào được nếm trải. Hay do tôi bẩm sinh không có điểm G?

Lê Ng. (thành phố Phủ Lý)

TS.BS. Phan Chí Thành (BV Phụ sản Trung ương) trả lời: Câu hỏi đã đụng đến một vấn đề thú vị. Mặc dù đã có những công trình nghiên cứu khóa luận về điểm G nhưng cho đến ngày nay đây vẫn là vấn đề tạo nên sự tranh luận: Có tồn tại điểm G không hay chỉ là truyền thuyết?

Chuyện không có điểm G là hết sức bình thường. Đừng buồn vì cơ thể còn có quá nhiều điểm nhạy cảm khác: Điểm cổ tử cung, điểm âm vật, điểm xung quanh âm đạo, ngực… Nếu tính theo thang điểm 10, thì để người phụ nữ thăng hoa 6 phần do tác động âm vật, 2-3 phần do điểm G, cổ tử cung 1 phần.

Nếu đủ tình cảm thì bắt tay nhau cũng rung động. Vậy nên tình cảm của con người quan trọng hơn nhiều. Đừng quá quan trọng truy tìm điểm G mà hãy tự tìm hiểu cơ thể mình, có thể còn tìm ra những điểm yêu thích hơn nữa.