Đảm bảo sân đông khán giả
Niềm tin thu được tiền từ bóng đá của bầu Đức đến từ lứa cầu thủ U19 đang nổi đình nổi đám mà ông Đức có trong tay. Ngay sau khi đôn lứa cầu thủ vừa nêu trên lên đội một tham dự V-League, bầu Đức nghĩ ngay đến chuyện bán vé nguyên mùa ở sân Pleiku. Hiệu quả thu được hiện khá khả quan, người đến sân mua vé khá đông.
Một điều khác mà bầu Đức tự tin có thể đảm bảo chính là việc các trận đấu trên sân nhà của HA Gia Lai tại V-League tới đây trận nào cũng đầy ắp khán giả, cũng xuất phát từ cái gọi là “hiệu ứng U19”.
Hiệu ứng ấy đến từ màn trình diễn của các cầu thủ U19 của bầu Đức trên sân cỏ. Có thể năm qua là năm mà họ chưa hề vươn đến thành công cao nhất ở các giải đấu quốc tế chính thức tầm khu vực. Thế nhưng, người ta vẫn mê đội bóng này, mê những đôi chân của Công Phượng và các đồng đội.
Cụm từ U19 trở thành thương hiệu, Công Phượng và các đồng đội được tung hô không chỉ đến từ tài chơi bóng của họ, mà đến từ công nghệ lăng-xê quá hoàn hảo mà bầu Đức, đặc biệt là những thuộc cấp dưới trướng ông tạo ra.
Nhất cử nhất động của những cầu thủ này trong khoảng 1 năm qua luôn xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, đập vào mắt người hâm mộ hàng ngày, thậm chí hàng giờ thông qua các trang báo và các kênh truyền hình, từ đó kích thích sự tò mò của không ít khán giả.
Đấy là một thành công khác của bầu Đức, ông giúp lứa cầu thủ U19 của ông tiếp cận với giới truyền thông theo cách mà từ trước đến nay ít người để ý, hoặc ít người thực hiện tới nơi tới chốn.
Có thể cách làm này đôi khi có những mặt trái của nó, khiến cho Công Phượng từng khổ sở vì cái chuyện người ta thích “soi” vào đời tư của cầu thủ này, nhưng trước tiên đúng là công nghệ lăng-xê mà bầu Đức tạo ra giúp cầu thủ của ông nổi tiếng. Mà nổi tiếng có nghĩa là dễ bán vé. Thành ra mới có chuyện bầu Đức tự tin đảm bảo các trận đấu của HA Gia Lai sẽ đông khán giả.
Bóng đá nuôi bóng đá: Tại sao không?
Quay trở lại câu chuyện cứ hễ U19 của bầu Đức đá là các sân bóng lại tràn ngập người, từ sân Thống Nhất, sân Mỹ Đình, cho đến sân Cần Thơ, sân nào cũng đối diện với cảnh quá tải khi có Công Phượng và các đồng đội chơi bóng.
Khi lứa này đá, các nhà đài cũng đổ xô đến truyền hình. Mà có khán giả và có truyền hình, nhất là truyền hình trực tiếp thì rất dễ kiếm tài trợ - đấy lại là một nguồn thu lớn khác.
Ví như U19 của bầu Đức, từ lúc khoác áo đội tuyển U19 Việt Nam cho đến khi về phục vụ cho CLB chủ quản là HA Gia Lai, các cầu thủ này luôn được tài trợ và bảo trợ đầy đủ từ Nutifood.
Đấy là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, gắn với lứa của Công Phượng và các đồng đội, Nutifood cũng trở nên nổi tiếng, thương hiệu của họ mỗi lúc một lên. Ngược lại, phía HA Gia Lai và bầu Đức cũng thu được khoản tiến không nhỏ từ quảng cáo, khi cho phép nhà tài trợ gắn tên trên ngực áo HA Gia Lai.
Chừng đó nguồn thu từ vé, từ tiền quảng cáo có thể giúp bầu Đức kiếm được kha khá, chưa kể các khoản khác từ việc bán bảng quảng cáo trên sân, bán các sản phẩm đi kèm với thương hiệu U19. Thế nên mới có chuyện, trong khi cả làng cầu sợ thua lỗ sặc gạch, thì bầu Đức tươi cười rằng ông sẽ làm ra lãi từ bóng đá.
Đấy có lẽ cũng là câu chuyện chung của cả làng cầu nội. Các đội bóng nhiều năm nay than khó kiếm tiền, nhưng kỳ thực là họ không chịu suy nghĩ cách thu hút khán giả, chỉ chăm chăm vào chuyện xài tiền.
Họ không biết cách làm thế nào để nuôi dưỡng tình yêu của người hâm mộ, phải đá ra sao để khán giả cảm thấy họ không bị lừa, không bị phản bội. Các đội bóng nội cũng không đánh giá đúng vai trò của giới truyền thông trong việc quảng bá thương hiệu, như AFC khuyến cáo và bầu Đức đã đánh giá đúng!
Theo Kim Điền