Từ triển lãm ảnh nude của Thái Phiên tại Sài Gòn đến triển lãm ảnh nude nghệ thuật lần đầu tiên ở Hà Nội… Hay mới nhất là triển lãm tranh lụa khỏa thân của họa sỹ Châu Giang tại Sài Gòn, đều có đặc điểm nổi bật được nhiều người nhắc đến: Thu hút khán giả.
Đặc biệt, triển lãm nude nghệ thuật đầu tên tại Hà Nội đã xác lập kỷ lục trong lịch sử triển lãm tổ chức tại Việt Nam, khi thu hút tới 6.000 người xem. Dù khai mạc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng nhiều khán giả vẫn đội mưa đi xem. Lôi kéo được khán giả quan tâm tới triển lãm nghệ thuật là tín hiệu đáng mừng nhưng đừng vội… mừng quá.
Câu hỏi đặt ra: Những triển lãm ấy hấp dẫn “thượng đế” ở chất lượng nghệ thuật hay “thượng đế” đến triển lãm nghệ thuật chỉ vì “nude”? Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm Mỹ thuật từng thừa nhận với báo giới tại triển lãm đạt con số kỷ lục người xem: “Có người đi xem vì tò mò, vì muốn check in” bên cạnh những người đến vì chuyên môn, vì muốn thưởng thức món ăn tinh thần thực sự. Không ít khán giả đã để bình luận đáng suy nghĩ sau mỗi bài viết về triển lãm ăn khách bậc nhất này: “Tại sao khách tham quan chủ yếu là… đàn ông?”.
Câu hỏi khác: “Tại sao triển lãm nude chỉ toàn ưu tiên khắc họa thân thể đàn bà?”… Nếu câu hỏi sau là gợi ý đáp án của câu hỏi trước thì có lẽ ai đó cũng không nên chủ quan tin rằng, thông qua những triển lãm nude nghệ thuật, khán giả sẽ biết phân biệt thế nào là phản cảm, thế nào là nghệ thuật. Khi mục đích của người xem không hướng đến thưởng thức món ăn tinh thần thì tác dụng nâng cao nhận thức thẩm mỹ bị khép lại là đương nhiên.
Liệu dòng nude trong nhiếp ảnh, trong hội họa tới đây có chứng tỏ được sức công phá dữ dội như… bolero ở thị trường âm nhạc khi bước từ thân phận bóng tối ra ánh sáng? Đó cũng là một băn khoăn. Đáp án vẫn chờ ở thời gian. Nhưng nếu chỉ dựa trên nền tảng của sự tò mò thì sức hút dự đoán không bền. Mặt khác, thông điệp từ tác phẩm hội họa hay nhiếp ảnh nói chung, từ tác phẩm tranh, ảnh thuộc dòng nude nói riêng, vốn dĩ không dễ cảm, không dễ phổ biến như dòng nhạc bolero. Nói như một nam danh ca của dòng nhạc này thì bất kể người dân Việt nào cũng có thể hát được bolero, hát hay hay không lại là câu chuyện khác.
Bởi còn bối rối chưa biết khán giả đến với triển lãm nude vì mục đích gì? Nâng cao nhận thức thẩm mỹ? Hiếu kỳ? Hay đơn giản vì… hiệu ứng đám đông? v.v... thì không nên lấy lượng khán giả tới xem làm thước đo giá trị của một triển lãm nghệ thuật để rồi hân hoan.
Cũng giống như chuyện xác lập kỷ lục ở ta nhiều khi được vỗ tay quá mức. Cần biết cuốn sách nào nặng nhất Việt Nam để làm gì? Bởi vì chẳng ai cân một tác phẩm văn học đoạt giải Nobel nặng bao nhiêu!