Khám phá uy lực K2 Black Panther - Xe tăng chủ lực của quân đội Hàn Quốc

Xe tăng chủ lực K2 Black Panther do Hàn Quốc phát triển và chế tạo trong thời gian dài, đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Xe tăng K2 thử nghiệm năm 2012. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

Giữa những năm 1990, Cơ quan phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) đã thiết kế một loại xe tăng chủ lực đầy hứa hẹn, được đặt tên là K2 Black Panther. Công việc phát triển chỉ được hoàn thành vào đầu những năm 2000. Trong quá trình phát triển, thử nghiệm và đưa vào sản xuất, K2 phải đối mặt với những vấn đề, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sản xuất và trang bị cho quân đội.

Dự án phát triển tăng chủ lực

Nhà phát triển chính của dòng xe tăng chủ lực K2 Black Panther là ADD. Ngoài ra, một số doanh nghiệp thương mại khác cũng tham gia vào dự án. Ví dụ như việc lắp ráp thiết bị được giao cho Hyundai Rotem (một bộ phận của tập đoàn Hyundai Motor Group). Một số đơn vị khác đã được giao phát triển các tổ hợp thiết bị chính.

Mục tiêu của dự án K2 là tạo ra một loại xe tăng “quốc dân”, với các đặc tính kỹ chiến thuật cao và mức độ nội địa hóa cao nhất có thể. Phần lớn các cụm lắp ráp và linh kiện đều có xuất xứ từ Hàn Quốc. Trong một số trường hợp, dự án được phép sử dụng các sản phẩm phát triển của nước ngoài, được sản xuất tại Hàn Quốc theo giấy phép.

Trong quá trình phát triển, khoang động cơ đã được chú ý nhiều. Xe tăng được trang bị động cơ diesel DV27K công suất 1.500 mã lực, công ty Doosan. S&T Dynamics được giao nhiệm vụ thiết kế hộp số tự động 6 cấp EST15K.

Thiết kế của xe tăng và các thành phần quan trọng đã bị đình trệ nghiêm trọng. Điều khó khăn nhất là việc tạo ra hệ thống điện, với các thông số đạt yêu cầu về công suất và độ tin cậy. Tuy nhiên, đến năm 2007-2008, nhà phát triển đã đạt được một số kinh nghiệm trong việc sản xuất một loạt động cơ và hộp số sử dụng cho xe tăng nguyên mẫu.

Các thử nghiệm khác được tiếp tục thực hiện cho đến đầu những năm 2010. Phần chính của các thiết bị đã được xác nhận theo đặc điểm tính toán. Song, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hậu cần lại xuất hiện. Động cơ và hộp số không có đủ công suất cần thiết và thường xuyên bị hỏng hóc. Xe tăng K2 chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu đề ra và không thể đưa vào phục vụ. Với đòi hỏi phải cải tiến bộ nguồn, việc khởi động sản xuất hàng loạt, vốn được lên kế hoạch cho giai đoạn 2010- 2012, đã bị hoãn vô thời hạn.

Sau đó, một kế hoạch cập nhật mới cho xe tăng đã được đề xuất. Để phù hợp với yêu cầu, ngành công nghiệp Hàn Quốc đã phải làm lại thiết kế K2 theo mẫu xe tăng chủ lực hiện có và thực hiện các thử nghiệm cần thiết, để sớm đưa chúng vào quá trình sản xuất. Điều đó có nghĩa là, nhà phát triển sẽ phải sử dụng các thiết bị nhập khẩu.

Một bộ nguồn EuroPowerPack tích hợp do Đức sản xuất được chọn làm biện pháp tạm thời. Nó bao gồm động cơ diesel MTU MT883 Ka-501 loại 1.500 mã lực, hộp số tự động 5 cấp Renk HSWL 295TM và một loạt các hệ thống tùy chọn. Việc chuyển đổi sang EuroPowerPack không mất nhiều thời gian và không yêu cầu thay đổi thiết kế lớn.

Cuối năm 2011, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phê duyệt một dự án này, và đã đặt hàng một lô tiền sản xuất gồm 15 xe tăng. Sản phẩm mang tên định danh chung là XK2, được đóng mới và chuyển giao cho quân đội giai đoạn 2012-2014. Trên cơ sở XK2, một đơn vị mặt đất đã tiến hành thử nghiệm. Theo đó, các xe tăng mới đã thể hiện đầy đủ các đặc tính đề ra.

Sản xuất hàng loạt

Dựa trên kết quả thử nghiệm, nguyên mẫu K2 nhận được đề nghị đưa vào sản xuất hàng loạt. Cuối tháng 12/2014, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đặt hàng Hyundai Rotem lô 100 xe tăng K2 đầu tiên. Tổng chi phí sản xuất vượt quá 900 tỷ won (820 triệu USD), tức khoảng 9 tỷ won (8,2 triệu USD) cho mỗi xe tăng.

Những chiếc xe tăng K2 đầu tiên đã được hoàn thành vào tháng 11/2014, và những chiếc cuối cùng đã được bàn giao cho quân đội cuối năm 2015. Lô 100 xe tăng chủ lực K2 đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra và thủ tục cần thiết, sau đó được trang bị cho các đơn vị chiến đấu.

Ngay sau đợt trang bị đầu tiên, một hợp đồng mới đã được ký với số lượng lên đến 106 xe tăng K2. Lô sản xuất thứ 2 được cho là khác với lô đầu tiên về thành phần: Các thiết bị sản xuất của Hàn Quốc từ tập đoàn Doosan và S&T Dynamics đã được sử dụng tích hợp vào hệ thống chính.

Việc lắp ráp những chiếc xe tăng đầu tiên của loạt xe thứ 2 bắt đầu vào cuối năm 2015 và hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên, mùa thu năm 2017, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, đặc tính kỹ thuật của xe không đảm bảo, để có thể đưa vào sử dụng. Trong các cuộc thử nghiệm trước khi gửi trang bị cho quân đội, các đường truyền EST15K của Hàn Quốc vẫn không đảm bảo độ tin cậy cần thiết.

Để giải quyết vấn đề này, nhà sản xuất đề xuất vẫn giữ động cơ DV27K của Hàn Quốc, và bộ truyền động hỏng được thay thế bằng một thiết bị đáng tin cậy khác của Renk. Sau đó, tất cả 106 xe tăng đã được lên kế hoạch sản xuất lại trong giai đoạn 2018-2020.

Do những khó khăn khác nhau, công việc sản xuất đã bị đình trệ. Việc chuyển giao các xe tăng K2 vẫn chưa được hoàn thành. Tuy nhiên, tất cả những chiếc K2 cải tiến dự kiến sẽ ra mắt trong những tháng tới.

Có thông tin cho rằng, quân đội Hàn Quốc còn có kế hoạch đặt thêm loạt xe tăng thứ ba gồm 100 chiếc. Tháng 11 năm ngoái, một hợp đồng tương ứng đã được ký kết, nhưng kế hoạch trên đã bị cắt giảm một nửa. Ngoài ra, các nội dung gây tranh cãi một lần nữa xuất hiện liên quan đến khoang động cơ.

Theo các điều khoản của hợp đồng, loạt thứ ba sẽ bao gồm 50 xe tăng K2. Việc chế tạo sẽ bắt đầu sau khi hoàn thành nâng cấp các thiết bị trước đó, và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023. Vì S&T Dynamics vẫn chưa hoàn thành việc phát triển sản phẩm EST15K của mình, các xe tăng mới sẽ tiếp tục sử dụng hộp số của Đức tích hợp cho động cơ của Hàn Quốc.

Theo đánh giá chung, việc sản xuất loạt xe thứ ba sẽ không còn gặp trở ngại nào nữa. Động cơ Doosan đã được điều chỉnh theo điều kiện mong muốn, và hộp số của Đức ban đầu đáp ứng tất cả các yêu cầu đề ra. Xe tăng chủ lực kết hợp giữa Hàn Quốc và Đức đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết và xác nhận các đặc tính kỹ thuật. Các xe tăng đã được đưa vào biên chế và không gặp bất kỳ sự cố nào.

Theo Quân đội Nhân dân