Một thợ dò kim loại đã phát hiện ra một đồng tiền vàng 1.000 năm tuổi có hình Chúa Giêsu khi đang khám phá những ngọn núi ở Vestre Slidre, một đô thị ở miền nam Na Uy.
Được biết đến như một "histamenon nomisma", đồng tiền xu nhỏ này được giới thiệu lần đầu tiên vào khoảng năm 960 sau Công nguyên. Nó có hình Chúa Giêsu cầm một cuốn Kinh thánh ở một mặt và hình ảnh của Basil II và Constantine VII, hai anh em đều cai trị Đế quốc Byzantine, ở mặt sau.
Nửa phía tây của Đế chế La Mã sụp đổ vào năm 476, trong khi Đế quốc Byzantine, hay Đế chế Đông La Mã, tiếp tục tồn tại trong một thiên niên kỷ nữa.
Các nhà khảo cổ cho rằng, đồng tiền này được đúc vào khoảng giữa năm 977 và 1025, dưới thời trị vì của hai anh em Basil II và Constantine VII, dựa trên ba đường chấm bao quanh đường viền của đồng xu, một đặc điểm thiết kế thường được sử dụng trong khoảng thời gian đó.
Đồng tiền này cũng có hai dòng chữ khắc. Dòng chữ đầu tiên viết bằng tiếng Latinh có dòng chữ “Chúa Giêsu, Vua của những người trị vì” và dòng thứ hai bằng tiếng Hy Lạp ghi “Basil và Constantine, hoàng đế của người La Mã”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không biết làm thế nào mà đồng xu lại xuất hiện trên sườn núi. Họ suy đoán, đồng xu này có thể thuộc về Harald Hardrada, còn được gọi là Harald III, người cai trị Na Uy từ năm 1045 đến năm 1066. Trước khi trở thành vua, Harald III từng là người bảo vệ cho hoàng đế Byzantine. Theo tờ Miami Herald, thông lệ các lính canh được phép "cướp bóc cung điện sau cái chết của hoàng đế".
Có thể đồng xu cuối cùng đã được sử dụng làm của hồi môn cho Harald III kết hôn với con gái của Hoàng tử Yaroslav (còn được gọi là Yaroslav the Wise) của Kyiv, nơi ngày nay là Ukraine. Đồng tiền này cũng có thể đã được sử dụng như một hình thức thương mại.
Các nhà khảo cổ có kế hoạch quay trở lại khu vực núi vào năm 2024 để tiến hành các cuộc khai quật tiếp theo.