'Khai đao…trảm ấn'

TPO - Ở đâu trên thế giới này cũng vậy, phàm đã là người, hầu hết ai cũng muốn quyền cao chức trọng. Quan chức thường đi theo bổng lộc, giầu sang phú quí suốt một đời người, “một người làm quan, cả họ được nhờ”.

>> Kinh hoàng đêm 'cướp' ấn đền Trần Nam Định

Một tờ ấn hiếm hoi giành được trong Lễ hội Khai ấn đền Trần 2010. Ảnh : Hồng Vĩnh

Thi nhân Nguyễn Bính từng “ước mong” cho anh lái đò nghèo “Để tôi mơ mãi, mơ nhiều /Tước đay se võng nhuộm điều ta đi./ Tưng bừng vua mở khoa thi/ Tôi đỗ quan Trạng, vinh quy về làng/ Võng anh đi trước võng nàng./ Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.”

Sinh ra ở Nam Định, một vùng đất đồng chiêm trũng nghèo khó, rất có thể trong đời, cố thi nhân đã từng đến dự lễ Khai ấn tại đền Trần, thuộc thành Nam,  mơ cho mình chiếc võng.

Lễ trang trọng này được xem là “linh hồn” của lễ hội đền Trần nói chung. Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng Giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công lao đối với đất nước.

Kể từ đó, cứ vào ngày này đúng giờ Tý (23h), các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại quốc sự sau khi nghỉ Tết nguyên đán. “Phúc đẳng hà sa” nếu ai nhận được tờ ấn như thế.

Người ta tin, thời của các vua Trần cách đây gần nghìn năm và sau này, lễ hội được tổ chức trang trọng. Tiếng trống vang lên khắp 9 đình chùa, lệnh ban ra, ai nấy đều cúi rạp mình, nghe tiếng đức vua sang sảng phán truyền.

Không một tiếng động, không ai chen lấn, tôn ty trật tự, trên dưới rõ ràng. Người ban ấn, kẻ nhận ấn và người xem đều thấy sự thưởng công, phong tước rất xứng đáng.

Những vị vua Trần thuộc về dòng dõi anh minh, mọi lời vua phán được coi như thánh phán. Không ai dám trái lời và không muốn trái lời. Muôn người như một.

Không phải ngẫu nhiên, các vua Trần thuộc về thời đại vinh quang nhất trong lịch sử phong kiến nước Việt. Từ bao đời, xuất phát từ trái tim, người dân gọi Trần Quốc Tuấn là đức thánh Trần.

Thế hệ sau tiếp tục duy trì tục lệ “Khai ấn” này để tưởng nhớ công đức của các vua thuở trước, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.

Ngoài chuyện hướng về cội nguồn, người dự còn mang theo yếu tố tâm linh, ước mong nhận “ấn tín Vua ban",  nguyện cầu cho một năm may mắn và hạnh phúc.

Chỉ có điều, với thời gian mai một, những lễ hội như đền Trần, hội Lim, hội chùa Hương, bà Chúa Kho đã dần biến tướng. Lễ hội văn hóa, truyền thống nhưng đã có nhiều nét bị thương mại hóa, đôi chỗ trở thành vô văn hóa và phi truyền thống.

Như TPO và nhiều báo đưa tin, chưa đến 23 giờ, lễ khai ấn trong Đền vẫn đang diễn ra thì bên ngoài đền một biển người bỗng dưng nổi sóng hỗn loạn ùn ùn xô đổ hàng loạt rào chắn... Tiếng la tiếng khóc của người bị chèn ép, ngất lịm, người mất của kêu cứu inh ỏi.

Lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động tối đa ra chặn lại và tổ chức cấp cứu cho những người bị ngất. Nhưng chỉ cầm cự được khoảng 15 phút thì vỡ bung cả một cơn bão người lao vào đền.

Hàng chục người đã bị ngất phải cấp cứu trong Lễ Khai ấn đền Trần năm nay. Ảnh : Hồng Vĩnh.

Người nghèo kiếm được tờ ấn đem bán kiếm lời. Kẻ giầu lắm tiền, trọc phú, muốn có chút hơi hướng quan trường, bỏ tiền mua lại. Ngang nhiên mua bán ở chốn đền linh thiêng ngay trước mặt vua Trần và cả ngoài đời.

Lễ Khai ấn trở thành nỗi hãi hùng của hàng vạn người khi phải đạp lên nhau xông vào đền “cướp” ấn. Tranh giành, đạp đầu  nhau để “làm quan”, chắc chỉ có thời nay mới xảy ra.

Sau những khói hương trong đền, các vị thánh Trần thấy cảnh đau lòng này sẽ nghĩ gì về “lượng” văn hóa trong đám con cháu đanh tranh cướp ngoài sân. Chắc cố thi nhân xưa cũng chẳng mơ hộ anh lái đò “vinh qui bái tổ” làm chi.

Đây không phải lần đầu tiên, và có lẽ cũng chưa phải là lần cuối cùng, chuyện vô văn hóa xảy ra trong một sự kiện văn hoá hay lịch sử mang tầm vóc quốc gia. Hội hoa Hà Nội, hội hoa anh đào, bánh chưng khổng lồ dâng vua Hùng, tượng đài Điện Biên, rồi bao nhiêu lễ hội khác biến thành nỗi buồn của những người có đôi chút hiểu biết.

Đổ lỗi cho ai đây? Một nền giáo dục nhiều bất cập kéo dài? Văn hóa và đạo đức của đám con cháu “tự nhiên” xuống cấp nghiêm trọng vì nền kinh tế thị trường? Người được thăng chức không phải do tài năng mà do “ngồi nhầm chỗ” hay ấn tín sử dụng sai mục đích? Những chỉ tiêu, con số tăng trưởng về kinh tế không đi theo chỉ số văn hóa? Một nguyên nhân hay vì tất cả?

Đây là lúc chúng ta nên suy ngẫm về cội nguồn sức mạnh của dân tộc như thời Trần từng với ba lần chiến thắng quân Nguyên. Tìm lối ra không khó. Khó là ở chỗ, có ai đó để tâm vào vai trò của văn hóa, thay vì chỉ lo các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dương hay âm.

Lễ hội thành công hay thất bại nói lên “phông văn hóa” của một miền đất và cao hơn là chính quốc gia ấy và đó được gọi là một trong những sức mạnh mềm khi hội nhập. Thiếu sức mạnh mềm, khó mà đưa đất nước sang một vị thế mới.

Ai chẳng mong cuộc đời phong lưu, làm quan sang trọng, sống sung sướng một đời. Giấc mơ ấy là của chung nhân loại, của người dân thường, của doanh nhân giầu có, của thi nhân và cả của anh lái đò nghèo xưa. Đến dự lễ hội “Khai ấn” để mong ước về tương lai tốt đẹp là hoàn toàn thỏa đáng.

Tuy nhiên, dẫm lên nhau và tranh cướp hỗn loạn trong lễ hội quả là báng bổ đức thánh Trần, làm nhói đau bao con tim nhân ái, có khác chi, một lễ hội đầu xuân để người ta "khai đao…trảm ấn".

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Minh; ...nv@gmail.com

Sẽ là đại họa nếu như những người bỏ tiền hoặc đạp lên nhau để xin ấn mà sau này quả thực họ được bổ nhiệm cấp cao hơn.

Huy mc; ...nam@vnn.vn

Thật không còn gì để nói bởi tâm linh là sự hướng thiện của mỗi cá nhân nhưng không nên vì 1 lý do nào đó mà trở nên mù quáng. Phúc lộc là do mọi người chúng ta  tự tạo ra cho mình mà thôi, nếu muốn có nhiều may mắn thì hãy ăn ở cho tốt, làm nhiều việc tốt cho gia đình và xã hội, tự khắc may mắn sẽ đến.

Có ai dám chắc 100% số người xin được ấn kia sẽ gặp may mắn và đều thăng quan tiến chức?...

Tran Hien; ...88@yahoo.com

Chính quyền địa phương phải lấy đây là bài học để rút kinh nghiệm cho kỳ tổ chức sau.

Người dân

Để xảy ra việc "cướp ấn" một phần không nhỏ là lỗi của Ban tổ chức vì đã thiếu chu đáo, thiếu kiên quyết trừng trị người gây rối trật tự công cộng, nên sử phạt nặng gấp 10 lần mức phạt hiện tại.

Vũ Tốp Ky; ...hthn@gmail.com

Xin ấn chỉ có tác dụng đối với quan chức, để bắt đầu một năm làm việc mới mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Vì vậy đi xe công là điều tất nhiên, còn đối với dân thường thì xin làm gì!

Một bạn đọc; ...a@gmail.com

Nó thể hiện cái văn hóa "cướp giật" bằng mọi giá để có được "ấn, chức, quyền". Thật đáng buồn là những hành động như vậy.

Hoàng Trung Nguyên; ... c63@yahoo.com

Công lao của nhà Trần với đất nước với nhân dân thì ai cũng biết và đặc biêt là Quốc công Trần Hưng Đạo, nhân dân ta đã tôn thờ là bậc thánh nhân vĩ đại.

Tuy nhiên qua lễ khai ấn đêm 14 tháng giêng năm canh dần 2010 vừa qua thì để lại cho tôi nhiều suy nghĩ và cũng xin có vài ý kiến như sau: việc khai ấn đầu năm là một tục lệ tốt của nhà Trần trước kia và được nhân dân Nam Định duy trì cho đến ngày nay.

Nhưng như những gì nó đã xảy ra thì tính chất của nó đã khác, nhuốm màu mê tín vì mọi người nghĩ rằng khi mình có được tờ ấn trong tay thì được thăng quan tiến chức,làm ăn may mắn...

Ở dưới suối vàng Trần Quốc Tuấn nhìn thấy cảnh nhân dân giẫm đạp lên nhau để cướp cái may mắn tài lộc tôi tin là ngài đau lòng lắm.

Thiết nghĩ hàng năm tổ chức khai ấn thì chỉ nên đóng tượng trưng 1 cái để khai ấn. Không nên đóng nhiều để phát dễ trở thành mê tín. Bởi vì chúng ta đến đền để tưởng nhớ, biết ơn ngưỡng vọng công lao vĩ đại của các vị anh hùng dân tộc nhà Trần và giáo duc các thế hệ sau lòng yêu nước và noi gương các anh hùng dân tộc ấy.

Thử hỏi phần lớn những người đến tham gia lễ khai ấn trong lòng họ nghĩ gì? Đến để tưởng nhớ biết ơn các vị anh hùng dân tộc nhà Trần,hay đến để cướp lấy cái sẽ đem lại may mắn cho cá nhân mình.

Le Kin; ...cok@gmail.com

Chịu thua luôn. Không biết người dân lên đền với mục đích gì, hành xác người làm gì cho cực.

Lên đền, khấn trời, khấn phật, phải có tâm, chứ "cướp" đền, cốt cầu vật chất, không có tâm thì cũng vô ích.

Truong Van Thanh; ...datesp@yahoo.com.vn

Ý thức của người dân Việt trong nhiều Lễ hội gần đây đã thể hiện rằng văn hoá ứng xử nơi công cộng của dân ta đang có vấn đề nghiêm trọng. Họ ý thức theo hướng, mạnh ai nấy làm...

Ngô Minh Hà; ...ru@yahoo.com.vn

Mình ở Bắc Giang và mình biết đến Lễ Hội Khai ấn đầu năm qua báo điện tử, sáng nay lại hầu hết trang báo nào cũng đăng tải dòng tít "Lễ Hội Khai ấn", nhưng giờ khi thấy những hình ảnh xô đẩy, người xô đẩy dẫn đến ngất lịm ngay trong đêm hội, cảnh tượng chen lấn rất mất văn hoá ngay tại một Lễ hội trang trọng như thế này xảy ra có đáng lên án?

Lỗi do đơn vị tổ chức hay do ý thức của người hành hương? Bản thân tôi nhận thấy 1 hình thức lạm dụng sự uy nghiêm của Lễ hội, ý nghĩa Lễ hội đã giảm đi rất nhiều nếu hiện tượng này vẫn còn tiếp tục.

TT; ...bth@yahoo.com.vn

Ai có được tấm lụa đã đóng ấn thì thăng quan, tiến chức?! Thật ngoài sức tưởng tượng. Ôi một sự hồn nhiên đến lạ kỳ của không ít người !

Lê Chân; ...83@ymail.com

Nếu các vị Hoàng đế thời Trần mà biết được con cháu của mình mấy trăm năm sau còn lạc hậu hơn cả ông cha như vậy chắc các cụ đã không làm lễ khai ấn để bây giờ con cháu dẫm đạp lên nhau phá huỷ truyền thống của cha ông.

Ai đời vào chỗ tâm linh mà lại làm cái việc xấu xa như thế nào là trộm cắp, nào là tranh cướp dẫm đạp lên nhau đến mức phải đi cấp cứu, tờ Khai ấn cướp được nhuốm nhiều mùi phàm tục như vậy còn gì là linh thiêng nữa, nếu không muốn nói đấy cũng là cái hoạ.

QHai; ...73@yahoo.com.vn

Việc khai và đóng ấn đền Trần Nam Định là một truyền thống và nét đẹp văn hoa dân tộc từ trước đến nay. Nhưng nay đã bị lệch lạc phong tục này; xin ấn để xin quan, xin chức, người xin bổng, xin lộc... Chức vụ đâu mà nhiều thế; nước còn nghèo lộc ở đâu ra mà lắm thế.

Với những việc diễn ra tại đền Trần năm nay, tôi thiết nghĩ những người có trách nhiệm cần có thái độ và phương pháp tổ chức phù hợp.

Về sự việc khai ấn năm nay tôi nghĩ chỉ mất của và bị thương cũng là may mắn lắm rồi, chứ những cuộc ùn đẩy như thế này có thể dẫn tới nhiều cái chết thảm thương và đây là bài học mà các Vua Trần cảnh báo những thế hệ con cháu phải làm sao đừng có nghĩ đến việc buôn bán thánh thần, tâm linh...

Nguyễn Lâm Bưu; ...tc@aol.com

Nam Định cách thủ đô Hà Nội có 2 giờ xe chạy mà lại có cảnh tượng như vậy. Thế kỷ 21 rồi chứ có phải thế kỷ thứ 21 trước công nguyên đâu cơ chứ. Lễ hội mà lại có người bị tai nạn như thế thì vui vẻ gì???

Huỳnh Công Binh; ...vn@yahoo.com.vn:

̣Đền Đức Thánh Trần ngoài yếu tố di tích lịch sử còn có yếu tố tâm linh. Nhất là ngày Khai ấn. Nhu cầu của nhân dân về ấn Đức Thánh Trần có thật và rất lớn, vậy tại sao Ban tổ chức không cho đăng ký công khai, rộng rãi cho nhân dân biết: ai có nhu cầu thì đăng ký trước với khoản thu phí cao.

Khoản phí này dùng để tu bổ di tích Đức Thánh Trần và giúp cho những hộ neo đơn khó khăn tại địa phương? Có như vậy thì sẽ tạo được nét văn hóa ngày Khai Ấn và tạo nguồn thu cho địa phương.

Nguyễn Mạnh Tuấn; ...tuan111@yahoo.com

Năm nay, lễ khai ấn diễn ra vào một ngày khá đẹp trời, lại trùng vào ngày nghỉ nên khá đông người đi lễ, và mong muốn có được lộc ấn đầu năm. Tôi cũng không nằm ngoài số đó. Cùng với mấy người bạn đi từ Hà Nội về đến đền Trần là 3h chiều.

Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sự nhốn nháo và nhếch nhác. Quá nhiều người ăn xin nằm vạ vật suốt quãng đường gần nửa km (đoạn từ chùa Tháp đến đến đền Trần).

Chọn một quan nước ven đường, chúng tôi ngồi và chứng kiến cảnh ăn xin đến cười ra nước mắt. Khi không có ai đi qua, họ ngồi dậy nói chuyện như những người khỏe mạnh bình thường, nhưng khi nhìn từ xa có người qua là họ lăn ra, tay run run, chân bật bật ( như bị động kinh), kêu la thảm thiết...(để đánh vào lòng thương hại của những người hành hương).

Tình trạng móc túi diễn biến quá phức tạp. Một người bạn trong đoàn đã bị móc mất chiếc điện thoại gần 20 triệu trong vòng chưa đầy 5 giây.

Chưa hết, khi màn đêm xuống là hàng ngàn chiếu bạc được mở ra. Tất cả những việc trên diễn ra ngang nhiên mà không thấy bất kỳ lực lượng có chức năng nào can thiệp (phải chăng nó được phép diễn ra???).

Trước khi về đền Trần tôi đã được nghe rất nhiều về "Cướp Ấn" nhưng tối hôm đó tôi mới thực sự tin đó là sự thật. Khi lộc Ấn bắt đầu được phát cho người dân thì cảnh tượng hãi hùng mới bắt đầu. Mọi người xô nhau, không kể trẻ già, trai gái chen lấn từng cm đất để đi vào trong đền.

Trong quá trình di chuyển chúng tôi dẫm lên không ít đồ dùng cá nhân của khách hành hương (chủ yếu là giày, dép, khi bị tuột không ai dám cúi xuống lấy vì sẽ bị dẫm lên người ngay lập tức).

Rất nhiều người bị ngất lịm phải đưa ra ngoài. Nhiều người trèo cả lên nóc đền thò thay xuống để mua Ấn. Nhìn cảnh này làm tôi nhớ đến cảnh tôi đã xem trên tivi về việc người hồi giáo hành hương về thánh địa Mecka.

Thiết nghĩ, việc ban Ấn là một việc mang nghi lễ cấp quốc gia và cần được phát huy, đặc biệt trong xã hội đang phát triển hiện nay, để tưởng nhớ về công lao ông cha ta. Cũng là việc làm hợp lòng dân. 

Tuy nhiên cần có biện pháp để mọi người ai đi lễ đền Trần cũng có được lộc Ấn, cũng được vui vẻ và thư thái trong tâm hồn, chứ không phải ra về trên xe cứu thương, hoặc tiếc nuối vì mất đồ.

Tên: Thanh Sơn; ...suna@yahoo.com

Đọc xong bài báo này mà tôi thấy buồn quá.

Một lễ hội thiêng liêng tốt đẹp biến thành một mớ hỗn độn. Không biết người ta nhận thức về lễ hội này như thế nào mà sẵn sàng bất chấp luật lệ, quy tắc, sẵn sàng dẫm đạp lên đồng loại để cầu mong một giá trị tâm linh nào đó. Chính trong con người không có tâm linh làm sao mà còn cầu được.

Lãng Du; ...trang@yahoo.com

Cứ tưởng cảnh hỗn loạn chỉ xảy ra với một số nước trên thế giới khi được chứng kiến trên TV vào những ngày lễ hội. Không ngờ tại Việt Nam mà cũng xảy ra tình trạng tệ hại vậy sao. Nhiều người còn nặng nề đầu óc mê tín quá. Thật buồn!

Trần Thuỷ Tiên; ...vhnt@gmail.com

Thật lạ kỳ khi nhiều người cứ mê muội mãi về những chuyện xin được ẤN thì sẽ được "thăng" quan tiến chức như thế nhỉ?

Đua nhau về một chỗ địa hình chật hẹp như thế chỉ làm cho trật tự an ninh bị ảnh hưởng, kẻ gian lợii dụng làm chuyện bất lương mà thôi.

Không năng lực, không rèn luyện phấn đấu, không kinh nghiệm, không uy tín thì "thăng" chức để mà loạn xã hội ra ư?

Đền, chùa là nơi linh thiêng là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá không nên để xảy ra những hiện tượng như vậy.

Phạm Gia Hoàng; ...2008@yahoo.com

Chộp giật, chà đạp lên nhau để giành quyền lợi cho bản thân mình, cũng như văn hoá giao thông ở ta, cứ có ùn tắc nhỏ là mọi người đua nhau vượt sang bên đường ngược chiều và chẳng bên nào chịu nhường bên nào.

Tiếp tục cập nhật...