> Nghi phạm khủng bố ở Na Uy có thể bị tâm thần
Chuyên gia tội phạm học James Alan Fox của trường đại học Northeastern cũng chia sẻ quan điểm này khi phát biểu với CNN: “Kiểu hành xử ấy là điên rồ, nhưng không có nghĩa là đầu óc của người đó thuộc dạng đó. Những kẻ giết người hàng loạt hiếm khi là những kẻ tâm thần. Chúng biết mình đang làm gì. Chúng bị điên, nhưng điên ở đây là một dạng phẫn uất cao độ, chứ không phải là một dạng bệnh lý.”
Trước đó, luật sư của Breivik, ông Geir Lippestad cho rằng thân chủ của ông “bị tâm thần,” và nếu được chứng minh là có vấn đề về tâm lý, Breivik "sẽ không phải ngồi tù".
Trong khi ấy, cả hai chuyên gia nói trên đều giải thích một “kẻ điên” được hiểu là một người không biết phân biệt đúng sai và không nhận thức được những việc mà mình gây ra. Cả hai chuyên gia đều chưa gặp Breivik, những qua những tìm hiểu của họ về người này, đặc biệt là qua bản “tuyên ngôn” mà Breivik đã phát tán trên mạng trước khi ra tay thực hiện vụ thảm sát thì có thể hắn bị kích động bởi những hệ tư tưởng hay những khát vọng tiêu cực.
Theo các chuyên gia, Breivik có thể được xếp vào dạng kẻ giết người hàng hoạt như Seung-Hui Cho – kẻ đã xả súng ở đại học công nghệ Virginia, hơn là những kẻ khủng bố hay những kẻ cực hữu thông thường. Cho là kẻ đã xả súng giết hại 33 người ở đại học công nghệ Virginianăm 2007. Trước đó, hắn cũng đã ra một bản tuyên ngôn rồi tự chụp ảnh và quay phim bản thân.
Trong bản tuyên ngôn được phát tán trên mạng trước khi xảy ra vụ thảm sát ở Na Uy, kẻ viết những lời đó đã kêu gọi xóa bỏ chủ nghĩa đa văn hóa và đạo hồi, đồng thời ra “Tuyên bố độc lập cho châu Âu-2083.” Kẻ viết ra bản tuyên ngôn đó tự xưng là Anders Behring Breivik. Tuy nhiên, cảnh sát Na Uy vẫn chưa khẳng định rằng có phải Breivik đã viết văn bản 1.500 trang đó hay không và nói đó là một phần trong cuộc điều tra.
Cũng theo các chuyên gia tội phạm học thì “những kẻ giết người hàng loạt thường lên kế hoạch tàn sát rất hoàn hảo.” Breivik được ví với Timothy McVeigh, kẻ đã giết hại 168 người trong vụ đánh bom vào tòa nhà chính phủ liên bang ở Oklahoma, Mỹ. Tên này mang mối căm hận chính phủ và lấy việc giết người để xoa dịu nỗi căm hận đó.
Magnus Ranstorp, giám đốc trung tâm nghiên cứu các mối đe dọa thuộc trường Đại học Quốc phòng Thụy Điển cũng coi Breivik là một trường hợp ngoại lệ hơn là một kẻ cực hữu điển hình.
“Thông thường, những kẻ cực hữu thường hành động vô tổ chức và nhắm tới những người nhập cư. Breivik thì khác. Hắn đã chuẩn bị 9 năm để tạo ra một bản tuyên ngôn rất dài và không đồng tình với những hành động bộc phát, mà thay vào đó là lên kế hoạch tấn công hết sức tỉ mỉ.”
Các chuyên gia mà CNN tham khảo ý kiến cũng đều có chung nhận định tương tự, rằng Breivik thuộc tuýp người “cân nhắc kỹ lưỡng” hơn là một kẻ “tân phát xít bốc đồng,” có thể tấn công những người nhập cư bất cứ lúc nào.
Các chuyên gia cũng cảnh báo không nên coi bản “tuyên ngôn” của Breivik là một ngoại lệ, không phản ánh những suy nghĩ rộng hơn xung quanh, bởi những nguy cơ lan tỏa của nó.
Theo Vietnam+