Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra hệ thống KBNN luôn được lãnh đạo đơn vị quan tâm, chỉ đạo. Toàn hệ thống đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra; công tác tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng chống tham nhũng, đã giúp phát hiện kịp thời những tồn tại sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phát hiện được những bất cập của cơ chế chính sách đã ban hành. Điều đó góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lãng phí, tham nhũng trong hoạt động của đơn vị sử dụng ngân sách; giúp cho lãnh đạo KBNN phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Thông qua tiện ích này, công chức thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống được quyền tra cứu dữ liệu chương trình dịch vụ công trực tuyến nhằm phát hiện những vấn đề bất thường để cảnh báo cho lãnh đạo đơn vị có biện pháp xử lý, hoặc lên kế hoạch để kiểm tra định kỳ, đột xuất. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng đánh dấu việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của KBNN trong điều kiện hình thành Kho bạc điện tử, hướng đến Kho bạc số.
Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đã giúp các đơn vị KBNN kịp thời phát hiện những sai sót và chấn chỉnh kịp thời, giúp cho việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước ngày càng đảm bảo và hiệu quả. Đáng chú ý, công tác thanh tra chuyên ngành KBNN đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách có ý thức chấp hành nghiêm việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.
Thống kê từ năm 2016 đến hết tháng 8/2022, thanh tra KBNN đã thực hiện 12.209 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 10.671 cuộc kiểm tra; 1.538 cuộc thanh tra chuyên ngành. Ban hành 277 quyết định xử phạt với số tiền phạt hơn 912,5 triệu đồng. Xử lý tài chính, yêu cầu thu hồi về cho ngân sách nhà nước trên 67,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước, KBNN đã thực hiện giám sát từ xa đối với công chức KBNN trong việc chấp hành quy định về tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, KBNN đã thực hiện kết xuất dữ liệu về sử dụng chứng thư số từ máy chủ của KBNN để giám sát từ xa về chấp hành bảo mật quản lý, sử dụng chứng thư số nhằm chấn chỉnh lề lối làm việc và cảnh báo rủi ro có thể xảy ra tại KBNN các cấp như: kiểm tra, rà soát làm rõ các giao dịch được ký duyệt trên máy tính người khác; kiểm tra, rà soát công tác ủy quyền; kiểm tra, rà soát các user lâu không sử dụng mà không có lý do chưa bị thu hồi hoặc tạm dừng sử dụng theo quy định dẫn đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng thư số...
Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống được đặt ra.
Theo ông Đinh Mạnh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra, KBNN, thời gian tới, KBNN sẽ đổi mới công tác kiểm tra, giám sát nội bộ hệ thống KBNN nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra trực tiếp, từng bước chuyển từ phương thức kiểm tra thủ công trực tiếp tại trụ sở KBNN sang thực hiện kiểm tra, giám sát từ xa theo phương thức điện tử; xây dựng công cụ giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN, hướng tới triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% hoạt động kiểm tra của KBNN được thực hiện thông qua môi trường số.
Đặc biệt, KBNN tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, không để tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng; duy trì tốt đoàn kết nội bộ, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại từng đơn vị KBNN, đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản Nhà nước giao KBNN quản lý.
Ông Đinh Mạnh Tuấn cho biết, để đạt được mục tiêu này, KBNN đã đặt ra kế hoạch đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình kiểm tra, thanh tra phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động KBNN, đảm bảo cảnh báo sớm các rủi ro và phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng vi phạm chính sách chế độ quản lý của nhà nước trong lĩnh vực hoạt động KBNN; xây dựng tiện ích để khai thác dữ liệu đã được số hóa từ chương trình dịch vụ công trực tuyến của KBNN phục vụ công tác kiểm tra nội bộ. Đặc biệt, KBNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm khai thác triệt để các dữ liệu sẵn có trên môi trường điện tử để từng bước chuyển đổi từ phương thức kiểm tra, giám sát trực tiếp sang phương thức kiểm tra, giám sát trên môi trường điện tử, môi trường số.
Đối với công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN sẽ tập trung thanh tra vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN; các khoản chi thường xuyên liên quan đến chi lương và có tính chất lương; thanh tra đối với các đơn vị sử dụng NSNN có biểu hiện nghi ngờ lợi dụng, chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước phát hiện qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các đơn vị KBNN. Bên cạnh đó, KBNN sẽ nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, đảm bảo đủ chứng lý của kết luận thanh tra trong việc thực hiện các kiến nghị qua thanh tra chuyên ngành. Chú trọng công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi triển khai thanh tra chuyên ngành, sự phối hợp giữa thanh tra và các bộ phận nghiệp vụ nhằm phát huy hiệu quả cao trong hoạt động thanh tra chuyên ngành.