Indonesia xác nhận 3 trẻ em tử vong vì bệnh viêm gan bí ẩn

TPO - Bộ Y tế Indonesia xác nhận nước này đã ghi nhận ít nhất 3 bệnh nhi tử vong vì viêm gan cấp tính trong tháng 4.

Con số này nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh viêm gan bí ẩn trên toàn cầu lên ít nhất 4 ca, theo Bloomberg.

Các bệnh nhi ở Indonesia được đưa đến bệnh viện ở thủ đô Jakarta trong tình trạng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật và mất ý thức, Bộ Y tế cho biết trong một thông báo ngày 2/5. Chính quyền Indonesia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện nếu có các biểu hiện trên.

Cơ quan y tế hiện đang tiến hành điều tra nguyên nhân gây bệnh, và đã ban hành một thông tư để đẩy mạnh giám sát căn bệnh này trên toàn quốc.

Cuối tuần vừa qua, Singapore cũng xác nhận một trường hợp viêm gan cấp tính là một bệnh nhi 10 tháng tuổi, và hiện đang điều tra xem trường hợp này có biểu hiện giống với các trường hợp khác được báo cáo trên toàn thế giới hay không.

Về bệnh viêm gan bí ẩn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện số ca nhiễm bệnh viêm gan bí ẩn đã lên đến vài trăm, trong khi khoảng hơn một chục bệnh nhi phải ghép gan.

Các bệnh nhi nhìn chung đều khỏe mạnh trước khi được chẩn đoán mắc viêm gan. Tình trạng bệnh của những em nhỏ này được miêu tả là “nặng và cấp tính”.

Nhiều trẻ em có các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa. Nhiều người khác bị vàng da, có thể do tổn thương gan.

Asha Bowen, bác sĩ bệnh viện Nhi Perth (Úc) cho biết: “Đây chắc chắn là điều bất thường. Vì đó gần như là viêm gan giai đoạn cuối. Nói dễ hiểu hơn là gan ở những đứa trẻ này đã bị hỏng hoàn toàn. Điều đó cực hiếm gặp ở trẻ em".

Các ca viêm gan “bí ẩn” không nhiễm bất cứ virus viêm gan thường thấy nào. Tuy nhiên, có khoảng hơn 70 trường hợp nhiễm virus adeno (vốn gây ra một loạt bệnh bao gồm cả cảm lạnh thông thường), ngoài ra có 20 trường hợp mắc COVID-19.

Nguyên nhân của căn bệnh vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia cho rằng giả thuyết liên quan đến virus adeno là cách giải thích khả dĩ nhất cho đến thời điểm hiện tại, nhưng “liệu đó có phải là tác nhân gây bệnh hay không, thì vẫn còn cần phải xem xét”.

Theo Straitstimes