IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế rót thêm tiền cho SeABank

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và 5 quỹ đầu tư quốc tế gồm Banque Internationale de Commerce-BRED , BlueOrchard Microfinance Fund , KASIKORNBANK PCL , OPEC và responsAbility Investments AG đã mở rộng gói tín dụng cấp cho SeABank từ 150 triệu USD lên 220 triệu USD chỉ sau 6 tháng hợp tác. Điều này khẳng định uy tín, hiệu quả triển khai dự án của Ngân hàng cũng như đánh giá cao của IFC và các bên cho vay quốc tế dành cho SeABank.

Tháng 6/2021, IFC và SeABank chính thức ký kết gói tài trợ tín dụng có tổng trị giá 150 triệu USD nhằm giúp DNNVV, do phụ nữ làm chủ phục hồi phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19. Gói tài trợ này gồm 80 triệu USD từ IFC và 50 triệu USD huy động từ các bên cho vay quốc tế, cùng hạn mức tài trợ thương mại 20 triệu USD, giúp SeABank gia tăng khả năng hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, thu hẹp mức thiếu hụt tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, IFC cũng đã triển khai chương trình tư vấn giúp SeABank phát triển danh mục cho vay cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đẩy mạnh tài trợ khí hậu và nâng cao năng lực quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động của ngân hàng.

Trong lộ trình chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, SeABank đã triển khai chính sách ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ với mong muốn tạo động lực phát triển tối đa cho doanh nghiệp nữ chủ thông qua việc đa dạng các loại hình cấp tín dụng doanh nghiệp với tỷ lệ cấp tín dụng/giá trị tài sản bảo đảm cạnh tranh và các gói dịch vụ điện tử miễn phí trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đặc biệt, hiện tại SeABank triển khai chương trình ưu đãi dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này với Lãi suất cho vay VNĐ tối thiểu từ 5,6%/năm, cấp hạn mức thấu chi không có tài sản bảo đảm tối đa 5 tỷ đồng, cấp hạn mức tín dụng thẻ tới 200 triệu đồng…

Sau 4 tháng hợp tác và ghi nhận những hiệu quả triển khai từ SeABank, IFC và các bên cho vay quốc tế đã quyết định tài trợ bổ sung thêm 70 triệu USD, nâng tổng gói tài trợ tín dụng và thương mại cho SeABank lên 220 triệu USD. Nguồn vốn bổ sung được cung cấp bởi IFC và các tổ chức cho vay quốc tế như Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KASIKORNBANK PCL, Quỹ OPEC cho phát triển quốc tế (OPEC Fund) và responsAbility Investments AG. Đây là các định chế tài chính tài chính phát triển hàng đầu với mục tiêu đầu tư tác động hướng tới việc tạo ra các hiệu ứng xã hội và môi trường ngoài lợi ích về tài chính, tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực tư nhân và môi trường.

Bà Lê Thu Thủy - Tổng Giám đốc SeABank cho biết: “Việc hỗ trợ DNNVV và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ luôn nằm trong chiến lược phát triển của SeABank, đó là trách nhiệm của SeABank trước những khó khăn và thách thức của đại dịch để phục hồi nền kinh tế của toàn xã hội. Việc nhận thêm nguồn vốn từ IFC và các tổ chức cho vay quốc tế lớn cho thấy SeABank đã chứng minh được khả năng trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phục hồi sau đại dịch. Nguồn vốn bổ sung sẽ giúp nâng cao năng lực của SeABank để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ chủ cũng như xây dựng các kế hoạch hành động và can thiệp thông minh về giới phù hợp với chiến lược tăng trưởng của ngân hàng.”

Bên cạnh đó, SeABank cũng cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm, tài trợ vào các công trình xanh, các dự án sử dụng tài nguyên hiệu quả theo định hướng tư vấn từ IFC để giúp giảm phát thải khí nhà kính cũng như thiết lập một hệ thống đồng bộ quản lý các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị phù hợp với các yêu cầu của IFC, tăng cường năng lực đánh giá và quản trị rủi ro môi trường và xã hội, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Ngân hàng cũng như giúp mở rộng danh mục tài trợ dự án xanh.