Thẻ ngân hàng phát triển không ngừng
Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử eKYC đang lưu hành.
Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ an toàn, thuận tiện vượt trội.
Phát biểu tại họp báo công bố Ngày thẻ Việt Nam 2023, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu thế tất yếu trong tiến trình tới xã hội không tiền mặt và phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các công nghệ mới, giải pháp hiện đại trong thanh toán đang được các ngân hàng áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), xác thực sinh trắc học, phát hành thẻ kép (dual card) tích hợp đồng thời cả tính năng thẻ ghi nợ lẫn thẻ tín dụng trên cùng con chíp thẻ ngân hàng...
“Các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành thẻ ngân hàng vật lý và phi vật lý bằng phương thức điện tử thông qua định danh điện tử (eKYC) nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Các hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam lần 3 sẽ góp phần phổ cập, tuyên truyền về dịch vụ, phương thức thanh toán mới của ngân hàng đến người dân, mà bắt đầu từ giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng trong Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia và Đề án phát triển TTKDTM hướng đến”, ông Dũng cho biết.
Ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết, chương trình nhằm tiếp tục lan tỏa “tinh thần” đổi mới, đột phá dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến để TTKDTM trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân. Qua 3 mùa sự phát triển của công nghệ số, thanh toán, vượt qua giới hạn đi lên phía trước. Điều này mở ra sự thanh toán tiện lợi của ngân hàng, tổ chức tài chính và khách hàng. Cung cấp dịch vụ vượt giới hạn và người sử dụng dịch vụ vượt qua giới hạn.
“Ngày Thẻ Việt Nam 2023 với quy mô lớn hơn có nhiều sự kiện kéo dài 10 ngày với nhiều hình thức phong phú. Nếu như năm trước chỉ tổ chức toạ đàm thì năm nay Ngày Thẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo lớn với xu hướng thanh toán tương lai. Đó không chỉ là thanh toán thẻ mà thanh toán tương lai với mở ra nhiều hình thức thanh toán số”, ông Lê Xuân Sơn cho biết.
Xây dựng hệ sinh thái không tiền mặt
Bà Kim Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, để thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện, vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính rất quan trọng. Thời gian qua, NHNN rất chú trọng đến công tác truyền thông, giáo dục tài chính với nhiều nội dung phong phú, hình thức thể hiện đa dạng vừa dể hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, vừa lan tỏa. Tiêu biểu như các chương trình trên truyền hình như Tiền khéo tiền khôn, Tay hòm chìa khóa, Đồng tiền thông thái… dành cho học sinh, sinh viên.
“Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục truyền thông tới đông đảo công chúng, trong đó hướng nhiều hơn tới đối tượng mục tiêu như giới trẻ, học sinh, sinh viên, người dân, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn… Cách thức truyền thông sẽ ngày càng đa dạng, trong đó có ứng dụng công nghệ và các nền tảng mảng xã hội để tăng tính lan tỏa, đồng thời vẫn đảm bảo dễ hiểu - dễ nhớ - dễ vận dụng, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi của mình cũng như hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ của ngành ngân hàng”, bà Lan Anh cho biết.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS, đồng Trưởng Ban Tổ chức Ngày thẻ Việt Nam 2023 cho biết, với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, NAPAS cùng các ngân hàng, đối tác sẽ mang đến Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 3 những sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, sáng tạo. Từ đó giúp khách hàng có thêm những trải nghiệm mới mẻ khi tham gia vào chuỗi sự kiện.
Theo ông Hưng, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây. Hết quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng 65,1% số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với đến hết quý II/2022. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2022. Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.
“Thông qua các hoạt động tại sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam, chúng tôi giới thiệu các phương thức thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán bằng mã QR và sản phẩm dịch vụ này đã đi vào đời sống hàng ngày của đại bộ phận dân cư. Ngày thẻ Việt Nam đã góp phần to lớn trong việc lan tỏa thông điệp về thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực đời sống xã hội”, ông Hưng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, thẻ ngân hàng là một công cụ thanh toán tiện lợi, an toàn và hiệu quả, được ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Là ngân hàng thương mại đầu tiên ở Việt Nam đặt nền móng triển khai dịch vụ thẻ từ những năm 1990 và luôn dẫn đầu thị phần thẻ về cả mảng phát hành và thanh toán, phát triển đơn vị chấp nhận thẻ cũng như mở rộng mạng lưới ATM. Hiện nay, Vietcombank có khoảng hơn 18 triệu thẻ đang lưu hành. Năm 2022, số lượng thẻ phát hành mới của Vietcombank chiếm gần 15% thị phần toàn quốc, doanh số sử dụng thẻ chiếm 20% và đứng đầu về doanh số sử dụng thẻ tại thị trường Việt Nam.
“Việc Vietcombank là nhà tài trợ kim cương của chương trình Ngày Thẻ Việt Nam 3 năm liên tiếp thể hiện sự tận tâm và cam kết đóng góp của Vietcombank đối với sự phát triển của ngành thẻ ngân hàng Việt Nam. Vietcombank mong muốn góp phần xây dựng một hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại và tiên tiến, phù hợp với xu hướng toàn cầu và nhu cầu của người dân Việt Nam”, bà Oanh cho biết.
Điểm nhấn của Ngày Thẻ Việt Nam 2023
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên Tập báo Tiền Phong - Trưởng Ban Tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam cho biết, một trong những điểm nhấn của Ngày Thẻ Việt Nam 2023 là Hội thảo Thúc đẩy hoạt động thanh toán thẻ và xu hướng thanh toán tương lai, được tổ chức ngày 26/9 tại khách sạn Melia Hà Nội.
“Hội thảo trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam 2023 lần đầu được tổ chức, nâng tầm về quy mô, chứng tỏ sự thành công và lớn mạnh của Ngày Thẻ Việt Nam và cũng là thể hiện sự chuyên nghiệp của nhà tổ chức. Đồng thời nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế được các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm. Hội thảo quy tụ những chuyên gia trong nước và quốc tế, ngân hàng, tổ chức thẻ hàng đầu sẽ bàn thảo và đề xuất giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động thẻ, định hình xu hướng thanh toán tương lai”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, tham luận tại hội thảo hướng tới đánh giá hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, nêu ra rào cản và giải pháp tháo gỡ. Từ đó, nhằm thúc đẩy và đưa chủ trương TTKDTM của Chính phủ vào cuộc sống. Đồng thời nhận định xu hướng thanh toán tương lai góp phần xây dựng cơ sở tiếp nhận các công nghệ mới trong hoạt động thanh toán.
Hết quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng 65,1% số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với đến hết quý II/2022. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2022. Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.