>> Thăm ngôi làng chết Konlontár
>> Hungary: Bùn đỏ tiếp tục tràn
Hungary cũng đang phong tỏa tài sản của lãnh đạo Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt) để có thể bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử nước này.
Đặc phái viên Chính phủ Hungary, Bakondi Gyorgy, cho biết, nước này đang tính đến việc hiện đại huá công nghệ luyện alumin và chứa bùn đỏ, giải pháp khả dĩ là chuyển sang công nghệ thải khô.
Theo cách hiểu chuẩn của Liên minh châu Âu, với công nghệ thải khô, bùn đỏ được bảo quản với độ ẩm 25% (chứ không phải 70% như ở Hungary), và độ pH là 10 (ở Hungary là 13) thì không phải là rác thải nguy hiểm vì không bị chảy và không làm ngập môi trường xung quanh.
Trong trao đổi với Tiền Phong, bà Petróczi Tímea, Phát ngôn viên phụ trách báo chí của ông Bakondi Gyorgy, nói rằng, Hungary đang dùng công nghệ thải bùn ướt. Bà cho biết, nhân sự cố tràn bùn, các giám sát viên của Đặc phái viên Chính phủ (được giao nhiệm vụ quản lý và phụ trách MAL Zrt) đang tích cực giải quyết các vấn đề công nghệ cũng như tài chính nhằm đảm bảo an toàn hơn cho sản xuất alumin (ôxýt nhôm) và môi trường.
Hiện nay, MAL Zrt bị đặt dưới sự giám sát và điều hành trực tiếp của Nhà nước, thông qua một Ban quản lý, đứng đầu là trung tướng, TS. Bakondi Gyorgy, Cục trưởng Cục Phòng chống Thảm họa Quốc gia. Các chủ sở hữu tập đoàn gần như bị vô hiệu hóa, không còn thực quyền.
Ba lãnh đạo của MAL Zrt - Tổng giám đốc Bakonyi Zoltán (đang bị tạm giữ), Giám đốc Kỹ thuật Deák József và người chịu trách nhiệm về môi trường kiêm phụ trách phòng thí nghiệm Fodor Józsefné bị coi là các nghi phạm trong vụ án môi trường do Cục Điều tra Quốc gia Hungary phụ trách.
Tài sản của của ông Bakonyi Zoltán và bà Fodor Józsefné đang bị phong tỏa, và nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân bùn đỏ của MAL Zrt (doanh nghiệp này muốn bỏ ra 1,5 tỷ Forint, tương đương 7,7 triệu USD, trong vòng 5 năm cho mục đích nói trên) cũng bị ngăn chặn, vì chính phủ cho rằng nếu cần bồi thường thì phải lấy từ chính tài sản của thủ phạm.
Cho đến nay, Ban lãnh đạo MAL Zrt vẫn giữ quan điểm rằng họ không phải chịu trách nhiệm trong vụ tràn bùn đỏ, vì từ khi tiếp quản hệ bể chứa bùn đỏ (năm 1997), họ đầu tư nhiều tiền để tuân thủ mọi quy định về kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trong khi cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên trạng thái các bể chứa (lần gần nhất là 2 tuần trước khi thảm họa xảy ra) mà không bao giờ phát hiện ra điều gì nguy hiểm.
MAL Zrt cho rằng, tai họa xảy ra vì những yếu tố môi trường và biến động thiên nhiên không thể lường trước. Ngoài ra, ngay sau khi sự cố xảy ra, tập đoàn này cũng tự tiến hành những cuộc kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân sự cố và theo ý kiến giám định sơ bộ của các chuyên gia thổ nhưỡng, việc xây dựng một vách chắn sâu tới 8-16m dưới lòng đất (tới tận các lớp chống thấm) có thể là nguyên nhân chính của thảm họa.
Tấm vách bê tông đó được Nhà nước Hungary chỉ đạo xây trong hai giai đoạn (1990-1994 và 2001), dài tổng cộng 7,3 km, bao quanh bể chứa số 10 với mục đích ngăn chặn sự lan tỏa của nước bùn đỏ nhiễm kiềm. Tuy nhiên, trong nhiều năm, lượng nước mưa tích tụ và không thể thoát đi khiến đập chắn bùn bị úng, các tầng đất bị trượt dẫn đến việc vách bể chứa bị vỡ.
Từ Hungary