Hồng sâm Hàn Quốc: Ổn định huyết áp, ngừa xơ vữa động mạch

Tôi năm nay 52 tuổi, sức khỏe sa sút. Con dâu có biếu tôi 1 hộp sữa Majesty XO của Hàn Quốc, nói đây là loại sữa cao cấp có mùi vị thơm ngon, dễ uống, chứa nhiều thảo dược phương Đông, trong đó có Hồng sâm Hàn Quốc. Nhưng tôi nghe nói Hồng sâm không dùng được cho người cao huyết áp. Vậy, tôi có nên sử dụng loại sữa này không? (Hoàng Thị Kim Oanh, 2A-43 Phú Mỹ Hưng, Q.7, TPHCM).

TS Nguyễn Phương Dung - Đại học Y Dược TPHCM - trả lời: Hồng sâm được chế biến từ Nhân sâm, là vị thuốc hàng đầu trong kho tàng y học phương Đông và cũng được đưa vào Dược thư của nhiều quốc gia Tây Âu có nền y học tiên tiến.

Khi đề cập đến các loài Panax trên thế giới, TS Trần Công Luận - Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM - nhận định Hồng sâm Hàn Quốc (Korean red ginseng) là loại sâm thương phẩm tốt nhất.

 Một số tài liệu y dược học uy tín tại Việt Nam có viết: Nhân sâm “không dùng phối hợp với Lê lô”. [1]

 Quả thực, Hồng sâm Hàn Quốc có tác dụng ổn định huyết áp, đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng và điều trị khá nhiều bệnh mãn tính thường gặp ở người suy nhược, làm việc căng thẳng, người cao tuổi, như: xơ vữa động mạch, cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, tăng mỡ máu, tăng lipid máu, đái tháo đường, ung thư… Vị thuốc có khả năng gia tăng thể lực và trí lực, cải thiện tình trạng mất ngủ, rối loạn thần kinh, sắc tố da.

 Cho đến nay, không thấy một tài liệu y dược có uy tín nào tại Việt Nam nói Hồng Sâm Hàn Quốc không dùng được cho người cao huyết áp.  Riêng về tác dụng của Hồng sâm Hàn Quốc trên bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp thì đã có khá nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của Hồng sâm Hàn Quốc kết luận rằng khi sử dụng 1,5 - 6 g/lần, mỗi ngày dùng 2 lần, liên tục 3 - 24 tháng, bột Hồng sâm Hàn Quốc có tác dụng hai pha trên huyết áp: hạ huyết áp trong trường hợp cao huyết áp và tăng huyết áp trong trường hợp huyết áp thấp.

Điều này được giải thích là do Hồng sâm Hàn Quốc có chứa đồng thời những tác nhân làm tăng huyết áp và hạ huyết áp, có thể tạo ra những tác dụng kiểu hai pha để điều hòa huyết áp theo cơ chế tác dụng sinh thích nghi (adaptogen). [2]

Tại bệnh viện Nissei (Nhật Bản), TS Yamamoto đã tiến hành một nghiên cứu lâm sàng trên 316 bệnh nhân, trong đó có 74 bệnh nhân cao huyết áp, 207 trường hợp huyết áp ổn định và 35 bệnh nhân huyết áp thấp.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy ở liều 3 - 6 g mỗi lần, 3 lần mỗi ngày trong các bữa ăn, Hồng Sâm Hàn Quốc không làm thay đổi huyết áp của những đối tượng nghiên cứu có huyết áp bình thường, đồng thời lại có tác dụng ổn định huyết áp cho các bệnh nhân có huyết áp không bình thường. [3]

Một nghiên cứu lâm sàng khác được tiến hành tại trường Đại học Dược Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cũng cho kết quả tương tự trên các bệnh nhân cao huyết áp được cho uống 4,5 g Hồng sâm Hàn Quốc mỗi ngày, liên tục trong 8 tuần. [4]

Khi điều trị cho 66 bệnh nhân mắc bệnh huyết áp ở bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản (Bắc Kinh, Trung Quốc) bằng Hồng sâm Hàn Quốc với liều dùng 3 g mỗi ngày sau 6 tuần hiệu quả cải thiện huyết áp thể hiện rõ rệt trên 53% bệnh nhân tham gia nghiên cứu. [5]

Những tác dụng của Hồng sâm Hàn Quốc thể hiện rất rõ ở những người suy nhược, rối loạn chức năng cơ thể, người cao tuổi. Vì không chỉ ổn định huyết áp, vị thuốc còn làm giảm mỡ máu (đặc biệt là giảm triglycerid), điều hòa đường huyết, gia tăng thể lực và trí lực, cải thiện tình trạng mất ngủ, một số rối loạn thần kinh, rối loạn sắc tố da, rụng tóc ở người cao tuổi.

Hiện nay, Hồng sâm không chỉ dùng làm thuốc mà còn được bổ sung vào thực phẩm nhằm mục đích kết hợp các đặc tính quý giá của Hồng sâm với những dưỡng chất có sẵn trong thực phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng thực phẩm. Có lẽ đây cũng là mong muốn của nhà sản xuất loại sữa mà chị Kim Oanh đã đề cập đến trong câu hỏi của mình.

Trên đây là những thông tin về tác dụng của Hồng sâm Hàn quốc để chị Kim Oanh tham khảo, có thêm cơ sở khi chọn lựa những thực phẩm phù hợp với sức khỏe của bản thân và gia đình.

-------------

[1] (Dược điển Việt nam III - Bộ Y tế) và “những người bệnh có thực tà không dùng” (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi).
[2] Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ Nhân sâm - PGS.TS. Nguyễn Thượng Dong, TS. Trần Công Luận, TS. Nguyễn Thu Hương.
[3] Tạp chí Nhân Sâm số 9, trang 15 - 20, năm 1992.
[4] Tài liệu chuyên đề Quốc tế về Nhân Sâm lần thứ năm, 87 - 91.
[5] Tạp chí  Nhân Sâm số 24, trang 104 - 106, năm 1998.