Hôn nhân giữa những người có họ hàng gần, còn gọi là “hôn nhân cận huyết”.
Y học đã chứng minh tác hại của những cặp hôn nhân này là từ những cặp vợ chồng khỏe mạnh lại có thể sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như: mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá, v.v…
Khoa học về di truyền giải thích những hiện tượng bất thường này là mọi đặc điểm trên cơ thể đều được quy định bởi những cấu trúc di truyền có trong nhân tế bào được gọi là gene, kể cả trường hợp bệnh lý.
Cơ thể mỗi người đều có một cơ cấu di truyền, bao gồm một số lượng gene rất lớn, ước tính khoảng 500-600 nghìn gene, trong số đó không tránh khỏi dăm, bảy gene lặn bệnh lý này khác nhưng chưa có điều kiện bộc lộ gây tác hại.
Tuy nhiên gene lặn bệnh lý tồn tại dai dẳng trong dòng họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu cuộc hôn nhân được tiến hành với người khác dòng họ thì nguy cơ này thường không cao.
Trái lại hôn nhân cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gene lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau và dễ tạo sinh những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền.
Các nhà khoa học nhận thấy ở những quần thể dân cư nhỏ sống biệt lập (không có điều kiện kết hôn rộng ra với các quần thể dân cư khác), các bệnh tật di truyền bẩm sinh rất cao.
Tại nước ta, qua điều tra cho thấy một số bệnh di truyền thường có tỷ lệ cao hơn ở các dân tộc ít người. Phải chăng đó là vì tập quán và điều kiện địa lý cách trở khiến các cuộc hôn nhân của các dân tộc ít người bị bó hẹp trong một quần thể dân cư nào đó.