Hôm nay (22/7), ông Trịnh Văn Quyết cùng gần 50 đồng phạm hầu tòa với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các nhà đầu tư 3.621 tỷ đồng và “Thao túng thị trường chứng khoán”, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng. Tại giai đoạn điều tra và truy tố, tổng số tiền ông Quyết khắc phục là hơn 212 tỷ đồng.
Sau hai năm bị bắt, khối tài sản của ông Quyết trên sàn chứng khoán biến động mạnh, khi thị giá các cổ phiếu trong hệ sinh thái đồng loạt lao dốc về mức trà đá.
"Họ" FLC có tổng cộng 7 mã là FLC, ROS, HAI, ART, KLF, GAB và AMD, đến nay không còn cổ phiếu nào giao dịch trên sàn. Ngoài KLF, các cổ phiếu nêu trên đều bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá.
Ông Quyết đang nắm giữ cổ phiếu tại FLC (tương ứng tỷ lệ 30,3%), GAB (51%), ROS (4,1%), ART (3,2%) với tổng giá trị hơn 2.310 tỷ đồng. Những cá nhân có liên quan, người nhà ông Quyết có tỷ lệ sở hữu rất khiêm tốn, dù giữ vị chốt tại tập đoàn.
Em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế chỉ nắm 1,2 triệu cổ phiếu ROS, tương đương 3 tỷ đồng. Người em khác của ông Quyết là Trịnh Thị Thuý Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) không sở hữu cổ phiếu nào.
Lượng cổ phiếu lớn nhất mà cựu Chủ tịch FLC nắm giữ nằm ở Tập đoàn FLC, với 215 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30,34%. Giá trị vào khoảng 754 tỷ đồng, chiếu theo thị giá tham chiếu trên UPCoM là 3.500 đồng/cổ phiếu
Ngoài ông Quyết, các thành viên trong gia đình có liên quan không sở hữu cổ phần. Chủ tịch FLC đương nhiệm là ông Lê Bá Nguyên (anh vợ ông Quyết) cũng không nắm cổ phần công ty.
Sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HoSE, FLC chuyển sang HNX lại bị đình chỉ giao dịch. Hơn 700 triệu cổ phiếu FLC không thể quay lại sàn trong bối cảnh doanh nghiệp FLC chưa phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, 2022 và 4 quý của năm 2023.
Trong khi đó, số cổ phần giá trị cao nhất mà ông Quyết nắm giữ lại là 7,6 triệu cổ phiếu GAB (CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC). Tại đây, ông Quyết nắm 51% vốn điều lệ, tương đương 1.495 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng có thời điểm là người giàu nhất sàn chứng khoán, với khối tài sản hơn 58.800 tỷ đồng (năm 2017), chủ yếu đến từ việc sở hữu lượng lớn cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros.
ROS tiền thân CTCP Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, ROS niêm yết 430 triệu cổ phiếu lên HoSE vào tháng 9/2016, tương ứng tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 4.300 tỷ .
Chỉ trong qua 2 năm chào sàn, đến cuối năm 2017, giá cổ phiếu ROS đã đạt đỉnh lịch sử 214.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh còn khoảng 178.000 đồng/cổ phiếu). Vốn hoá của ROS có thời điểm lên hơn 100.000 tỷ đồng. Cổ phiếu này chính thức lọt rổ VN30 trong đợt đánh giá vào tháng 7/2017.
Sau đà tăng thần tốc, ROS bắt đầu tạo hình cây thông với cú trượt dài, đến đầu năm 2020, về dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tới tháng 3/2020, thị giá chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu, sau đó dao động ở vùng giá trà đá 1.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu cho tới khi bị hủy niêm yết vào tháng 9/2022. Thời điểm rời sàn, thị giá ROS đạt 2.510 đồng/cổ phiếu.
Chiếu theo thị giá trên, với khối lượng nắm giữ hơn 23,7 triệu đơn vị (4,1%) tại ROS, giá trị cổ phiếu ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ tương đương 59,5 tỷ đồng.
Bà Trịnh Thị Minh Huế nắm 1,2 triệu cổ phiếu ROS tương đương giá trị 3 tỷ đồng. Bà Huế cũng bị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sở hữu hơn 3,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ chỉ 3,2% vốn tại Chứng khoán BOS (ART), số cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết giá trị khoảng 4,1 tỷ đồng. Năm 2023, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đình chỉ một phần hoạt động giao dịch của công ty này.
Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh và giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của Chứng khoán BOS.