Khát khao thăm chiến trường xưa
Dưới cái nắng đầu tháng 5 bắt đầu oi nồng, trên chiếc xe mang biển số của nước bạn Lào, gần 50 đại biểu của Hội truyền thống Trường Sơn xuất phát từ Hà Nội, dọc theo đường Hồ Chí Minh, lần lượt đi qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi dừng chân tại các địa điểm dọc hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Chúng tôi may mắn được gặp ông Trần Sự, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Ông Sự là người nắm rất rõ việc hình thành tuyến đường 559 khi xưa. Trong tập hồi ký của mình, ông kể, đầu năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Quảng Bình.
Đại tướng hỏi nhiều về các tuyến đường trên đất Quảng Bình, đặc biệt là tuyến miền Tây đi qua U Bò, Ba Rền, Cà Ròn... Khi nghiên cứu bản đồ, Đại tướng đặc biệt quan tâm xem các bình độ của các ngọn núi, đồi trên toàn bộ tuyến phía Tây Quảng Bình. Sau khi xem xong, Đại tướng nói: Tốt, tốt lắm.
“Sau này tôi mới biết đó là chuyến đi quan trọng cho một quyết định chiến lược: Mở đường 559”, ông Sự nói.
Dọc đường đi, những bài ca về núi rừng Trường Sơn được dịp vang lên. Nghe bài hát “Đường Trường Sơn xe anh qua”, cô Nguyễn Thị Thành rơm rớm nước mắt. Là cựu chiến binh trong sư đoàn 473, lần này trở lại chiến trường xưa. Trong ký ức của người cựu chiến binh vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm. Một đồng đội trên xe nói to “Mời đồng chí Nguyễn Văn Thành gái lên góp vui chương trình”.
Cô cười, kể, tuy nhà chỉ có 2 chị em gái, nhưng vẫn xung phong vào bộ đội năm 1973. Do khi ở trong quân đội, hay mang giầy ngoại cỡ, đeo ba lô to, đi làm thường mang theo cây xà beng mà đại đội trưởng gọi luôn là “Văn Thành” cho giống đàn ông. Cái tên Văn Thành theo cô đến giờ, và bạn bè, đồng đội ai cũng gọi như thế. Trong nét cười của người cựu binh thoáng lên niềm hạnh phúc vì cùng đi với cô còn có những đồng đội từng một thời vào sinh ra tử.
“Nhiều chị em còn khó khăn lắm, phải bán cả thóc để lấy tiền tàu xe đi lại. Mấy chị em trong hội lại cùng góp tiền để san sẻ”, cô Thành nói. Nhiều người phải giấu gia đình, thăm lại chiến trường xưa để thắp cho đồng đội nén nhang.
Bởi vậy, rất nhiều nước mắt đã rơi khi cô Thành đọc bài thơ của một đồng đội: Đã bao năm mong mỏi đợi chờ/Khát khao trở lại chiến trường xưa/Cứ hẹn nhau đi con lại đến kỳ đóng học/Mẹ ngậm ngùi chôn sâu điều ước/Không nói ra sợ các con buồn/Nay đầu mẹ tóc đã điểm sương/Các con đều trưởng thành lập nghiệp/Mẹ thổ lộ ra điều mình ước/Chỉ một lần được trở lại Trường Sơn/Nơi đó bao kỷ niệm chiến trường/Của đời mẹ một thời con gái…
Chuyện tình một thời hoa lửa
Những cành hoa sim hái vội bên đường được đặt lên mộ liệt sỹ ở Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9. Những bài hát của thế hệ chiến sĩ Trường Sơn lại vang lên. Vừa đến nghĩa trang đường 9, thắp hương lên mộ đồng đội, cô Phạm Thị Hải, một cựu chiến binh của Cục vận tải đường 559 òa khóc.
Cùng một ngày nhập ngũ, bạn bè cùng một dãy phố khi xưa, đi ba người, nhưng duy nhất cô trở về. “5 năm trước, cô vào đây tình cờ tìm được mộ của chú Sơn. Đến bây giờ vẫn chưa tìm được gia đình của chú ấy để thông báo”, cô Hải nói.
Đại tá Trần Văn Phúc, Chánh văn phòng T.Ư Hội truyền thống đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh kể, có hàng chục nghìn liệt sỹ đang nằm lại tại các nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, thành cổ Quảng Trị…
Trên tuyến đường năm ấy, có những mối tình đẹp như tranh. Có những mối tình bền chặt, vượt lên trên bom đạn để đơm hoa kết trái như của thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội truyền thống Trường Sơn, nhưng cũng có những mối tình vẫn mãi chỉ là những mối tình.
Ông Nguyễn Ngọc Nguyệt chia sẻ, sau gần 40 năm xa cách, mới đây, ông và người yêu cũ (yêu nhau trên đường ra tiền tuyến) đã tìm được nhau. “Bây giờ đều già cả rồi, con cháu đề huề. Gặp nhau để hàn huyên, nhớ về chuyện ngày xưa”, ông Nguyệt nói.
Năm 1966, tình yêu người lính nảy sinh với một cô học sinh lớp 11 giản dị trong sáng mà đẹp. Thế rồi, chàng tiếp tục vào chiến trường, nàng tiếp tục con đường học hành. Gần 40 năm sau, thật bất ngờ khi có một cuộc trùng phùng.
Nhiều người trong hành trình khẳng định rằng, mối tình giữa ông Lê Kim Thơ, một cựu binh Trường Sơn tại Quảng Trị và bà Đỗ Thị Bé tại Quảng Bình là đẹp nhất Trường Sơn. Không biết điều đó có thật không, nhưng trong hành trình này, hai người đã lại gặp nhau và vẫn còn chút “e lệ”.
Phải được sự động viên của Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn và nhiều đồng đội khác, hai người mới đứng cạnh nhau để chụp ảnh kỷ niệm. “Cứ nói nhiều thế, báo chí đưa lên ngại chết”, bà Bé cười.
Ông Thơ kể, ngày xưa làm trợ lý kỹ thuật xe máy cho Bộ tư lệnh đoàn 559, còn bà Bé được mệnh danh là hoa khôi của Bộ tư lệnh, vừa là văn công, vừa là y sĩ, lại được tướng Đồng Sĩ Nguyên rất ưu ái, nhận làm con nuôi. “Hồi ấy tôi hay đi lại trực ban trên Bộ tư lệnh, có đi ngang qua trạm xá. Thấy cô ấy đẹp, ngày ấy đẹp lắm”, ông Thơ kể.
“Gặp nhau thế rồi yêu thôi. Bom đạn nhiều, cũng không có chỗ mà hẹn hò”, bà Bé bất ngờ góp chuyện. Ông Thơ bảo, hồi đó không dám nghĩ đến chuyện cưới xin, vì sợ bom đạn, chẳng biết sống chết thế nào. Mối tình kéo dài được 7 năm thì kết thúc.
“Năm 1972 cô bị mảnh bom của B52 vào tay, phải chuyển ra Bắc rồi mất liên lạc. Từ lúc đó, cô ấy chỉ có một mình thôi”, ông Thơ thở dài. Cũng theo ông Thơ, hồi đó mà cưới thì chắc không xảy ra chuyện đáng tiếc này.
“Những người cưới nhau xong là vợ được chuyển ra ngoài Bắc luôn. Chồng thì ở lại tiếp tục chiến đấu. Nếu thế thì chắc sẽ không bị thương”, ông Thơ nói, tay cầm lấy bàn tay nhỏ bé, vẫn còn in hằn vết sẹo của bà Bé.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2014), Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã vinh dự nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, Hội cũng tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Ký ức Trường Sơn” và sơ kết cuộc vận động hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống.
Rất nhiều cựu binh Trường Sơn đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, trao tặng kinh phí, hỗ trợ đồng đội giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, thể hiện nghĩa tình đồng đội, nghĩa tình bộ đội Trường Sơn.