Hội thảo Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam

Sáng 7.12, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo "Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam". Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Nhãn hàng NPK Phú Mỹ - Kali Phú Mỹ)

Tổng biên tập Báo Đại Biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu khai mạc. Ảnh: Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Báo Đại Biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Việt Nam là một nước nông nghiệp. Trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành nông nghiệp cũng giành được những thành tựu to lớn, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước và là trụ đỡ vững vàng cho nền kinh tế.

Đóng góp vào thành quả này có vai trò quan trọng của ngành vật tư nông nghiệp - gồm các sản phẩm đầu vào của sản xuất như cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…

Trong đó, phân bón là vật tư quan trọng số một, bởi nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 – 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Thời gian qua, nhờ chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước và qua tái cơ cấu, ngành phân bón đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, Việt Nam từ quốc gia phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu đã chủ động được nguồn cung và xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Hiếu

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, khó khăn đang “gõ cửa” ngành phân bón cả về mặt chủ quan và khách quan; trong đó, có những bất cập về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Kéo theo đó là những tác động không mong muốn đến sản xuất nông nghiệp cũng như doanh nghiệp và nông dân.

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định nguồn thu cho ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, Quốc hội Khóa XV đã yêu cầu khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…

"Dự kiến, tại phiên họp tháng 12.2023 khai mạc vào tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Quang Hiếu

Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo: “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam” với mong muốn đóng góp hữu ích vào quá trình sửa đổi Luật này", Tổng biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp như: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ;... thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Do đó, doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm.

Các doanh nghiệp cho rằng, điều này khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại và không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.