Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC; ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC cùng lãnh đạo các sở, ban ngành.
Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu Roland Berger Việt Nam, Bình Dương cần đưa ra những định hướng phát triển kinh tế-xã hội thực sự mạnh mẽ với chiến lược phát triển cần tạo ra tác động sâu rộng và đảm bảo rằng tỉnh sẽ đạt được mục tiêu phát triển trên cả 3 phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường.
Thứ hai, tỉnh cần phát huy thế mạnh tiềm năng với các sáng kiến cần bắt nguồn từ thế mạnh sẵn có và các tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả của tỉnh trên tinh thần phát triển bền vững đột phá.
Thứ ba, bảo đảm thực thi, phát triển chiến lược, tuân thủ theo luật quy hoạch và phù hợp với năng lực của tỉnh, có sự phân công trách nhiệm thực hiện và lộ trình giai đoạn rõ ràng. Thứ tư, hướng tới tương lai với các sáng kiến phù hợp với xu hướng sẽ ảnh hưởng đến Bình Dương trong tương lai; ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.
Thứ năm, lấy con người làm trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Thứ sáu là tính bền vững phát triển kinh tế đi kèm với củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và đối phó thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 trụ cột chiến lược tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hậu cần và đô thị đổi mới sáng tạo sẽ định hình phát triển của tỉnh Bình Dương tới năm 2050. Bao gồm trụ cột chiến lược thứ nhất (công nghiệp công nghệ cao và bền vững), trụ cột chiến lược thứ hai (trung tâm dịch vụ hậu cần vượt trội và đặc thù), trụ cột chiến lược thứ ba (đô thị chất lượng cao xanh, sạch, thông minh).
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong quá trình thực hiện dự án Roland Berger Việt Nam và liên doanh sẽ sử dụng các phương pháp phân tích lập kế hoạch mang tính khoa học thực tiễn có độ tin cậy cao hiện đại và nhất quán.
Trình bày tại hội thảo, nhóm nghiên cứu McKinsey Việt Nam cam kết sản phẩm cuối cùng và sản phẩm bàn giao sẽ hoàn toàn phù hợp với các điều kiện và nguyên tắc của quy hoạch thông qua 5 giai đoạn nhóm đưa ra. Cụ thể, giai đoạn 1 sản phẩm bàn giao đánh giá thực trạng, khoanh vùng các vấn đề trọng tâm và ý tưởng ban đầu cho nhiệm vụ đột phá.
Giai đoạn 2 dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh Bình Dương để lấy ý kiến các sở ngành địa phương; giai đoạn 3 dự thảo cuối cùng báo cáo quy hoạch tỉnh Bình Dương sau khi lấy ý kiến các sở, ban ngành địa phương trong tỉnh;…Nhóm đã xác định chiến lược 6 trụ cột để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của tỉnh như tránh bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa; tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; tránh bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp; tránh bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững; tránh bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa dạng; tránh bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển đồng đều.
Đồng thời bám sát khung định hướng chiến lược ưu tiên 8 ngành dọc gồm: nguồn nước, thủy lợi và xây dựng; hạ tầng giao thông và kết nối khu vực; phát triển đô thị và giao thông; phát triển thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số; phát triển đề xuất thành phố thông minh Bình Dương; phát triển nền tảng công nghệ 4.0; phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân tài.
Tại hội thảo, các sở, ngành của tỉnh Bình Dương đã trao đổi làm rõ thêm với đơn vị tư vấn mô hình phát triển ngành công nghiệp với cuộc CMCN 4.0; các giải pháp để tránh rủi ro gặp phải bẫy thu nhập trung bình; liên kết liên ngành liên bộ với địa phương để giải quyết được vấn đề của địa phương.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đặt vấn đề về thu thập dữ liệu, thu thập thông tin phản hồi trong quá trình lập quy hoạch tỉnh các đơn vị có cần thêm sự hợp tác với đơn vị khác.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC đánh giá cao các đơn vị tư vấn có sự nghiên cứu kỹ, phân tích tổng thể, xây dựng khung chiến lược tỉnh bám sát 19 nội dung yêu cầu và 37 nhiệm vụ phù hợp với mong muốn của tỉnh. Thành quả phát triển của tỉnh có ý nghĩa to lớn, tuy nhiên tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng đặt ra những thách thức lớn. Do đó, chiến lược quy hoạch tích hợp của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải xứng tầm, làm sao có những giải pháp để Bình Dương bứt phá vượt qua khó khăn thách thức giúp tỉnh định hướng phát triển nhanh, bền vững, 1 đô thị Bình Dương văn minh, giàu đẹp, thông minh.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao năng lực của các đơn vị tư vấn. Ông mong muốn các đơn vị làm quy hoạch tỉnh phải bám sát thực tế, đồng bộ, khoa học, mang tầm chiến lược phải đưa Bình Dương lên nấc thang mới không chỉ trong nước mà khu vực thế giới. Tỉnh đang tìm kiếm đơn vị tư vấn lập quy hoạch có chất lượng, năng lực và tầm nhìn dài hạn nhằm xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển thịnh vượng; đô thị Bình Dương văn minh, giàu đẹp, thông minh.