Hồi sinh làng nghề

Những năm gần đây, nhiều làng nghề truyền thống ở Quảng Nam trên đà hồi sinh mạnh mẽ.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, nhiều làng nghề ở địa phương này đã tạo được bản sắc và thương hiệu riêng của mình như: đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, yến sào Hội An… được sử sách các vương triều phong kiến ghi lại.

 

Làng nghề đúc đồng Phước Kiều ở huyện Điện Bàn đã hồi sinh mạnh mẽ. . Ảnh: Phúc Đạt

Hồi sinh mạnh mẽ

Sau một thời gian dài bế tắc trong việc định hướng phát triển, thậm chí đứng trước nguy cơ thất truyền. Năm 2000, với sự đầu tư, quảng bá mạnh mẽ từ chính quyền các cấp, những làng nghề truyền thống của Quảng Nam như mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều, dệt thổ cẩm Za Ra, nước mắm An Lương, bánh tráng Đại Hòa, làng bún Phương Hòa… đã hồi sinh phát triển mạnh mẽ.

Việc cải tiến mẫu mã, phát triển sản phẩm mới cũng được các làng nghề chú trọng. Điển hình như làng gốm Thanh Hà, ngoài những sản phẩm truyền thống dân dụng như bình, lọ, nồi… nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chân đèn, chụp đèn, con tò he... cũng được sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và thị hiếu du khách. Làng đúc đồng Phước Kiều nhờ biết đa dạng hóa sản phẩm như chuông, cồng, chiêng cùng nhiều sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo khác nên doanh thu hằng năm đạt gần 10 tỷ đồng.

Làng mộc Kim Bồng phát triển song song với việc bảo tồn phố cổ Hội An khi nhu cầu về trùng tu các ngôi nhà cổ ngày càng nhiều cũng là một trong những thuận lợi giúp làng nghề phát triển. Với dệt thổ cẩm Zara, việc chuyển hướng sản xuất tập trung vào những sản phẩm thủ công tinh xảo như khăn choàng, ví, túi xách… đã mở hướng đi góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho một bộ phận đồng bào dân tộc nơi đây với tổng doanh thu mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Đa dạng hóa phương thức quảng bá

Đến nay, Quảng Nam có 61 làng nghề truyền thống, 41 làng nghề thủ công truyền thống hình thành hơn 100 năm và 20 làng nghề hình thành dưới 100 năm. Công tác bảo tồn và tìm kiếm thị trường, xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng, tạo dựng thương hiệu thì các làng nghề cần được tổ chức sản xuất theo quy mô chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng manh mún nhỏ lẻ. Mô hình lập hợp tác xã và công ty sản xuất kinh doanh như cách làm ở làng nghề đúc đồng Phước Kiều hay dệt Za Ra nhằm tập hợp các hộ sản xuất đơn lẻ lại với nhau để chủ động trong việc quảng bá sản phẩm, tìm kiếm nguyên liệu, thị trường đầu ra… cũng là một cách làm hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hội An đã đưa được hàng ngàn lượt du khách đến tham quan các làng nghề rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng… mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Riêng làng gốm Thanh Hà trong năm 2010 doanh thu từ bán vé tham quan du lịch ước đạt 200 triệu đồng, chưa kể doanh thu từ bán sản phẩm. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ tại nhiều làng nghề cũng được áp dụng thành công.

Sở Công thương Quảng Nam cho biết, đến nay đã có 20 dự án làng nghề được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 mô hình thí điểm làng nghề gắn với du lịch (làng nghề mộc Kim Bồng, làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu) cũng đang triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ 18,5 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia và Quỹ vay tín dụng để đầu tư hạ tầng tại 18 làng nghề. Việc đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, đầu tư, đổi mới thiết bị sản xuất cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề... với số tiền trên 7,5 tỷ đồng từ nguồn khuyến công cũng được triển khai đến các làng nghề.

Theo Báo giấy