Hội nhập kinh tế thế giới, bài học nào cho VN?

(TPO)- "Hội nhập kinh tế thế giới là một tất yếu khách quan" - điều này đã được nhiều lần khẳng định. Nghiên cứu xu hướng đó, để rút ra bài học cho VN là điều cần thiết.
Ông Lương Văn Tự phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo  về Chiến lược hội nhập khu vực, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế kiêm Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho rằng: "Ngoài sự gần gũi về địa lý, những tương đồng về văn hóa, mối quan hệ chính trị chặt chẽ trong xu thế hòa bình ổn định và hợp tác là những điều kiện thuận lợi để các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau và tìm ra những cơ chế hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững trong khu vực"

Châu Âu mở rộng

Hội thảo Chiến lược hội nhập khu vực: Thách thức thương mại và tài chính đối với VN diễn ra trong 2 ngày từ 22/8 đến 23/8/2005 do Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế và cơ quan  ADETEF tại VN tổ chức trong khuôn khổ dự án hợp tác của Pháp bắt đầu từ tháng 9/ 2002 trong  thời gian 5 năm và nguồn vốn 1,7 triệu euros nhằm hỗ trợ các hoạt động mở cửa khu vực và quốc tế của VN.

Sebastien Dupuch, El Mouhoub Mouhoub và Fatiha Talahite đến từ đại học Paris 13 đã đề cập đến một châu Âu đồng nhất thay đổi dưới tác động của quá trình mở rộng và sự ra đời của quan hệ đối tác Địa Trung Hải.

Những bài học rút ra từ khu vực này có nhiều điểm tương đồng với chúng ta. 

Đó là dỡ bở hàng rào bảo hộ không đủ để các nhà đầu tư nước ngoài bớt dè dặt trước tình trạng cải cách không được tiến hành triệt  để ở cấp quốc gia hay cơ sở hạ tầng còn yếu kém.

Do giữa các đối tác vẫn duy trì hàng rào thuế quan nên các thị trường bị cô lập và manh mún, điều này hạn chế khả năng phát triển thương mại trong nội bộ vùng.

Thị trường chung Nam Mỹ: Công trình dễ đổ vỡ

"Trên thế giới ngày nay, bên cạnh hệ thống thương mại đa biên, xu thế đẩy mạnh các liên kết kinh tế khu vực ngày càng được phát triển với các điển hình là Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)", ông Tự cho biết.

Egidio Luis Miotti đến từ đại học Paris Nord và Học viện quan hệ quốc tế Pháp đã phân tích dự báo MERCOSUR trên phương diện hợp tác. Ông nhận xét đây là một công trình dở dang và bế tắc bởi thị trường này có quá nhiều biến đổi: chính trị, kinh tế và xã hội. Và biến đổi xã hội gây ra nhiều bất bình đẳng, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, nạn đói nghèo và hiện tượng đào thải.

Vậy MERCOSUR đi về đâu? Có lẽ khôi phục ưu tiên chính trị là một điều kiện cần thiết và quan trọng nhất là phải có lịch trình  để MERCOSUR vượt qua những bế tắc và sự tê liệt của các thể chế vốn dĩ là đặc trưng của tình hình này trong những năm qua.

Sự tương đồng Âu Á trong hội nhập tiền tệ và tài chính?

Ông Virginie Coudert làm việc tại ngân hàng Trung ương Pháp và Đại học Paris 13 đã điểm lại quá trình hội nhập tiền tệ của châu Âu, giới thiệu những bước cần thiết cho việc xây dựng một liên minh tiền tệ, so sánh giữa GDP ở những nước sử dụng đồng tiền chung euro, tình hình hiện nay ở châu Á trong giai đoạn đồng đô la đang suy yếu.

Ông nhận xét, quá trình hội nhập của châu Âu đã linh hoạt hơn mà không cần phải hội nhập tài chính hoàn toàn. Tuy nhiên, nó cũng có những nguy cơ về sự mất cân đối. Có lẽ, điểm tương đồng giữa hai châu lục này là quá trình hội nhập tài chính. 

Đó là một quá trinh lâu dài và đã đạt được nhiều bước tiến bộ. Tuy nhiên, châu  Âu đã đạt tỉ lệ cao về quay vòng vốn, tỉ giá chứng khoán, nhưng thị phần cho  ngân hàng nước ngoài trong hoạt động bán lẻ còn thấp. Còn châu Á, mọi hoạt động hội nhập tiền tệ vẫn  ở mức thấp

Bài học và thách thức đối với VN

Cơ cấu dựa vào ngân hàng, hệ thống ngân hàng, trong đó có tỉ lệ tập trung cao, rủi ro lớn và thị trường vốn kém phát triển cả về thị trường chứng khoán lẫn trái phiếu là những bài học và thách thức mà Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban hội nhập kinh tế quốc tế, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đề cập đến.

Để khắc phục tình trạng này, ông khuyến nghị, VN cần phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, dần dần phát triển cơ cấu tài chính cân bằng hơn. Những khó khăn trong việc phát triển một thị trường chứng khoán lành mạnh trong nền kinh tế Đông Á là: sự minh bạch, xu hướng đầu tư ngắn hạn dẫn đến dao động lớn trong giá cổ phiếu, thời gian cho phát triển các viện tài chính và cải thiện việc quản lý  tập đoàn...