Hoa hậu Việt Nam 2016: Về chiến khu rừng Sác

TP - Sáng sớm hôm qua, dàn thí sinh Hoa hậu Việt Nam đến phà Bình Khánh qua đất Cần Giờ về thăm chiến khu rừng Sác - nơi in dấu oai hùng và bất khuất của lực lượng đặc công Việt Nam, được Unesco chọn là khu dự trữ sinh quyển cần được bảo tồn.

Tri ân liệt sỹ

Được tận mắt thấy hình ảnh mô hình và nghe thuyết minh về chiến công anh dũng của những chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước thanh bình, niềm cảm phục và thành kính dâng trào trên những khuôn mặt thanh tú của thí sinh. Tại đây, các người đẹp tìm hiểu về đời sống của người chiến sỹ đặc công ngày đó, từ những căn nhà phục dựng như nhà bếp, nhà ăn, phòng tham mưu, nhà công vụ… tới cách lấy nước ngọt giữa rừng ngập mặn, cách nấu bếp làm sao không khói, cách đào hầm giữa đất sình lầy…

“Qua chuyến thăm chiến khu rừng Sác, em cảm thấy rất tự hào về những chiến sỹ đặc công năm xưa, trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà các chiến sỹ vẫn kiên cường bám trụ, sáng tạo, không chỉ cho cuộc sống mà còn cho chiến đấu”, người đẹp Trần Thị Thu Hiền nói. Thí sinh 18 tuổi đến từ Đà Nẵng - Nguyễn Thị Như Thủy cho biết, cô rất vui vì được làm dự án nhân ái tại Cần Giờ và đã biết chiến khu rừng Sác trước đó. Thủy chia sẻ: “Hai ngày làm dự án tại đây, em đã học hỏi được rất nhiều điều. Em đã được đặt chân trực tiếp xuống những vùng sình lầy, được trực tiếp cắm những cây tràm con xuống đây và cùng sống với những người dân để cảm nhận được khó khăn của họ”. Đến từ phía Bắc, thí sinh có gương mặt khả ái Trần Tố Như chia tay khu di tích trong lưu luyến: “Chuyến đi thăm ngắn ngủi nhưng cho em biết thêm được nhiều điều hay. Không chỉ biết về vùng đất mới xinh đẹp mà còn được hiểu rõ thêm lịch sử, thêm tự hào là người Việt Nam”.

Thí sinh thắp hương các mộ liệt sĩ.

Sáng qua, đoàn thí sinh đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ rừng Sác. Suốt bao năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng đặc công Việt Nam tại chiến khu Cần Giờ đã mất đi hơn 800 chiến sỹ và vẫn còn đó những ngôi mộ khuyết danh. Ông Vũ Minh Sơn, Quản trang Nghĩa trang rừng Sác, cho biết, hiện có 1.216 ngôi mộ, trong đó có 87 ngôi mộ vô danh. Ông Sơn bày tỏ: “Tôi rất vui khi thấy các em dự thi hoa hậu Việt Nam đến đây tri ân những người đã ngã xuống cho cuộc sống hôm nay. Tôi tin vong linh các liệt sỹ sẽ mỉm cười và phù hộ cho các bạn”. Thay mặt BTC, ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong - Trưởng BTC cuộc thi, nói rằng, những hoạt động tri ân của các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 như vậy sẽ tôn lên vẻ đẹp tâm hồn. Trong gần 1 giờ giữa trưa nắng, các thí sinh đã đến tất cả các ngôi mộ để thắp hương, tỏ lòng thành kính.

Người đẹp Phan Thị Hồng Phúc tâm sự, gia đình cô cũng có người cố là liệt sỹ. “Mỗi lần giỗ, bố em đều kể về sự hy sinh của những người đi trước để có cuộc sống hôm nay. Đến viếng nghĩa trang, em rất xúc động vì nhớ đến những người đã hy sinh, trong đó có cả người thân gia đình em”, Phúc nói.

Thí sinh đi cano tham quan rừng Sác.

Quảng bá du lịch

Mong muốn góp một phần nhỏ vào việc quảng bá du lịch cho mảnh đất Cần Giờ còn nhiều khó khăn, BTC cuộc thi còn thiết kế hành trình đưa thí sinh tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Các thí sinh đã được giới thiệu về tiềm năng du lịch cũng như được trải nghiệm trên chiếc du thuyền lớn nhất Việt Nam mang tên King Yacht. 35 người đẹp thả dáng chụp ảnh trên du thuyền, fly cam quay từ trên cao với các khung hình đắt giá về người đẹp cùng thiên nhiên hoang dã. Chiếc du thuyền sang trọng và đầy đủ tiện nghi như một khách sạn nhỏ lướt êm trên dòng sông Cần Giờ, các thí sinh hoa hậu vừa ngắm cảnh hoang sơ của khu sinh quyển vừa thưởng thức những món đặc sản chỉ có ở đất Cần Giờ.              

Trò chuyện với lãnh đạo huyện Cần Giờ, ông Lê Xuân Sơn nói rằng, hoạt động của các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2016 tại Cần Giờ không chỉ là những hành động tri ân mà còn nhiều hoạt động khác mang tính quảng bá cho sự phát triển của Cần Giờ trong tương lai.

Thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy, người thực hiện dự án “Bảo vệ lá chắn Cần Giờ”, cho biết, sau cuộc thi, cô sẽ trở lại Cần Giờ, vì mảnh đất này đã cho cô nhiều trải nghiệm thú vị và giúp cô trưởng thành hơn.

Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) là nơi yên nghỉ của khoảng 1.200 liệt sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó đa phần là những chiến sĩ đặc công Đoàn 10, hay còn gọi là đặc công Rừng Sác. Ảnh: Hồng Vĩnh

Từ trái sang: ông Vũ Tiến - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, Phó trưởng BTC HHVN 2016; ông Nguyễn Văn Chính - Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ; ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng BTC; ông Hoàng Nhật Nam - Tổng đạo diễn chương trình HHVN 2016.



Tại đây, ngoài những ngôi mộ đã có tên, tuổi cụ thể, còn có hàng trăm phần mộ tượng trưng của các chiến sĩ đặc công rừng Sác. Ảnh: Hồng Vĩnh