Tác giả “Áo lụa Hà Đông”, nhà thơ Nguyên Sa từng nói rằng “Thanh Thúy là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ…”.
Chẳng biết nữ ca sỹ xinh đẹp có từng là “người trong mộng” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hay không nhưng chính bà đã gợi cho ông cảm xúc viết nên những nhạc phẩm để đời.
“Ngoài hiên mưa rơi rơi/Lòng ai như chơi vơi/Người ơi nước mắt hoen mi rồi/Đừng khóc trong đêm mưa…”. Ca khúc “Ướt mi” nổi tiếng của Trịnh Công Sơn khơi nguồn từ những giọt nước mắt của Thanh Thúy.
Tác giả “Ướt mi” từng viết như sau: “Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mong manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ”.
Nghe nói, Trịnh Công Sơn tình cờ được nghe tiếng hát của Thanh Thúy. Ông bị ấn tượng nên đề nghị mỹ nhân hát nhạc phẩm “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Khi hát “Giọt mưa thu” người đẹp đã khóc, vì đời sống riêng của bà khi ấy đang nhiều u buồn, cách đó vài tháng, cha bà qua đời, còn mẹ đang bị lao phổi nặng.
Không chỉ viết “Ướt mi”, dáng hình của Thanh Thúy còn mơ màng qua nhạc phẩm “Thương một người” của Trịnh Công Sơn: “Thương nụ cười và mái tóc buông lơi/Mùa thu úa trên môi/Từng đêm qua ngõ tối…”.
Nếu quan tâm đến giọng ca liêu trai Thanh Thúy, ai cũng biết giai thoại về mối tình đơn phương của nhà thơ, tài tử, đạo diễn Nguyễn Long dành cho người được bầu chọn là “Hoa hậu nghệ sỹ”. Ông đã làm phim “Thúy đã đi rồi” và là tác giả phần lời ca khúc nổi tiếng “Thôi” (Nhạc: Y Vân): “Thôi em đừng khóc nữa làm gì/Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa/Thôi em đừng khóc/Em đừng khóc, đừng khóc nữa/Giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư…”
Tuy không viết riêng cho “Hoa hậu nghệ sỹ” bài hát nào, nhưng thầy của danh ca Giao Linh, nhạc sỹ Ngọc Sơn cũng từng đưa bài cho Thanh Thúy hát. Với ông, giọng ca liêu trai là một “ngôi sao” tỏa sáng từ giọng hát đến nhân cách.
Có phải danh ca Thanh Thúy là người hát “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn đầu tiên không, thưa ông?
Nhạc sỹ Ngọc Sơn: Đúng rồi. Thanh Thúy là người hát “Ướt mi” đầu tiên đó. Sau đó mới có nhiều người hát.
Vì sao nàng được đánh giá là giai nhân nức tiếng của làng nhạc ngày trước?
Nhạc sỹ Ngọc Sơn: Thời ấy, mỗi ca sỹ có một nét đẹp riêng. Thanh Thúy rất đẹp, gương mặt đẹp, vóc dáng đẹp, mái tóc đẹp nhưng quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài chính là tính cách. Cô ấy thùy mị, tốt tính. Ca sỹ ngày trước thường khiêm tốn, đáng trân quí lắm, dù nổi tiếng. Mà cô ấy lại sở hữu chất giọng đặc biệt, trầm, buồn, sâu lắng lắm.
Tại sao danh ca Thanh Thúy hát mỗi một bài của ông?
Nhạc sỹ Ngọc Sơn: Tôi đưa có một bài thôi vì hồi ấy còn phải chăm lo mấy đứa học trò của tôi. Thanh Thúy hát bài “Sài Gòn chiều mưa”, đây là nhạc phẩm tôi viết chung với cố nhạc sỹ Trường Hải.
Ca sỹ ngày xưa với ca sỹ thời nay, khác nhau thế nào trong cư xử, theo ông?
Nhạc sỹ Ngọc Sơn: Hai thời khác nhau, thật là khó nói (cười)
Ông có thể giới thiệu thêm cho khán giả trẻ hôm nay về giọng ca dĩ vãng đình đám?
Nhạc sỹ Ngọc Sơn: Cô ấy thuộc hàng cao thủ, xét về giọng ca, nổi tiếng trước Khánh Ly. Là ca sỹ lớp sau Thái Thanh. Thái Thanh, Thái Hằng ở Hà Nội vô, còn Thanh Thúy gốc miền Trung.
“Ngôi sao” thời ấy cỡ như Thanh Thúy có giàu không?
Nhạc sỹ Ngọc Sơn: Cuộc sống thời đó không đến nỗi nào nhưng giàu thì chưa tới đâu. Không chỉ riêng Thanh Thúy mà nói chung ca nhạc sỹ thời trước 75 thì cuộc sống ổn nhưng không giàu.
Theo ông, vì sao nhiều nhạc sỹ ưu ái mỹ nhân này, dành tặng những sáng tác riêng?
Nhạc sỹ Ngọc Sơn: Theo tôi, vì nhạc sỹ quí mến cổ. Như đã nói, tính cô ấy rất tốt. Các ca sỹ cũng trân trọng cô ấy lắm. Anh em ca nhạc sỹ người nào cũng quí Thanh Thúy hết.