Hỗ trợ năng lực pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Việt nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Thực tế này đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong nước song cũng đặt ra những thách thức vướng mắc về những tranh chấp trong quá trình giao thương với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, Chính phủ và Nhà nước đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những năm qua.

Tuy nhiên hoạt động này theo đánh giá từ cộng đồng doanh  nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được hiệu quả hơn. Những phân tích của TS Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp làm rõ thêm về vấn đề này.

Trước tiên xin cảm ơn TS. Nguyễn Thanh Tú đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn.  Thưa ông, ông có thể cho biết các doanh nghiệp ở VN đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp phải những vấn đề tranh chấp liên quan đến pháp lý như thế nào?

 Theo nghiên cứu của chúng tôi thì các doanh nghiệp thường xảy ra những tranh chấp như thế này: Thứ nhất là tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp gồm tranh chấp giữa các cổ đông với nhau hoặc tranh chấp giữa chủ và người lao động. Tranh chấp thứ hai là giữa các doanh nghiệp với nhau mà chủ yếu là liên quan đến các hợp đồng kinh tế, bảo hiểm, tín dụng hoặc mua bán hàng hóa. Tranh chấp thứ ba là giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Và cuối cùng là tranh chấp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Hoạt động hỗ trợ pháp lý đã được luật hóa bằng nhiều văn bản pháp luật. Vậy nguyên nhân nào khiến cho công tác này vẫn còn nhiều hạn chế thưa ông?

Ở đây cũng có nhiều nguyên nhân. Trước hết phải đánh giá nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế. Tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi nhiều trong khi ngân sách nhà nước cũng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên bên cạnh nguồn lực thì còn do con người làm công tác hỗ trợ pháp lý từ các bộ ngành từ các địa phương cũng như sự tham gia đóng góp của các luật sư, luật gia các chuyên gia pháp lý còn có hạn chế. Thứ hai là từ góc độ của DN. DN nhiều lúc có vướng mắc thì mới tìm đến luật sư hoặc tìm đến bộ ngành cơ quan địa phương để nhờ hỗ trợ pháp lý. Trong khi đáng lẽ DN phải tự tìm hiểu, chủ động tiếp cận luật sư hoặc cơ quan nhà nước để nhận sự hỗ trợ pháp lý nhưng thường họ chỉ khi nào nước đến chân mới nhảy. Gặp những khó khăn thực tế vướng mắc thì mới làm. Chính vì vậy cho nên công tác hỗ trợ pháp lý cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó các DN khi mà có hoạt động hỗ trợ pháp lý cũng ít quan tâm, và thường cử nhân viên đến và do đó hiệu quả của hoạt động này không cao.

Vậy, thưa ông, ông có thể đưa ra những giải pháp để giúp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả hơn?

 Để thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các doanh nghiệp nói chung, trước hết cần phải có nguồn lực. Nguồn lực ở đây bảo gồm cả về tài chính và cả con người. Về tài chính hiện nay thì các mức chi theo thông tư liên tịch 157 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp thì đã gần 10 năm rồi nên rất thấp. Dẫn tới là cũng không khuyến khích được các luật sư, các luật gia, các chuyên gia pháp lý giỏi tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Cái thứ hai là con người, nhiều luật sư, luật gia, chuyên gia pháp lý sự am hiểu về pháp luật kinh doanh, thương mại quốc tế một cách tường tận còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy chúng ta phải nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từ đó giúp cho công tác này hiệu quả hơn. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn các DN, cộng đồng doanh nghiệp hãy tự tìm hiểu, thông qua các cơ sở dữ liệu mà chúng tôi đã đề cập hoặc chủ động tiếp cận luật sư, luật gia hoặc các cơ quan chức năng là các cơ quan hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực pháp lý từ đó vận dụng, áp dụng vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Mới đây CP đã ban hành Nghị định 55 về hoạt động hỗ trợ pháp lý. Theo ông Nghị định này sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp thưa ông?

Nghị định 55 là tập trung vào 2 nội dung chính. Một là tập trung vào xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu chung về pháp luật. Mà cơ sở dữ liệu này không chỉ là các văn bản quy phạm pháp luật mà là các vụ việc vướng mắc pháp lý thực tế từ DN. Đây cũng là những vụ việc mà qua quá trình khảo sát đánh giá thì chúng tôi thấy là doanh nghiệp rất vướng và cần. Vì từ những vụ việc cụ thể đó, các doanh nghiệp khác có thể học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Và chúng tôi sẽ cố gắng đưa cái vụ việc cụ thể đó lên cơ sở dữ liệu online để các doanh nghiệp khác có thể truy cập tự tìm hiểu.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!