Từ “lẩu” mà chúng ta hay dùng bắt nguồn từ tiếng “lầu” (tức cái lò) trong tiếng Quảng Đông. Tên đầy đủ của nó là “tả pín lầu” (lấy từ lò), trong khi dân đại lục gọi là “hỏa oa” (lò lửa). Dài dòng như vậy để biết rằng món lẩu của ta có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và bây giờ đang có một “nồi lẩu” thực sự ở trung tâm huấn luyện Thượng Hải. Đó chính là đội tuyển quốc gia Trung Quốc, hay Phi đội Rồng.
Để chuẩn bị cho 2 trận sắp tới gặp Nhật Bản ở Saitama (ngày 27/01) và Việt Nam tại Hà Nội (ngày 01/02) ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Li Xiaopeng đã gây kinh ngạc khi triệu tập tới 52 cầu thủ, bao gồm 11 người chưa từng khoác áo ĐTQG. Dư luận ở đất nước tỷ dân phần lớn hoài nghi về tính đúng đắn của quyết định này, sau đó đặt câu hỏi làm thế nào để Li Xiaopeng chọn ra một đội ngũ tiêu chuẩn từ số lượng cầu thủ đồ sộ như vậy.
Dường như HLV Li Xiaopeng đang cố tránh đi vào vết xe đổ của Li Tie, người đã chịu rất nhiều lời chỉ trích trước khi rời ghế. Vậy nên chiến lược gia 46 tuổi tạo ra cảm giác về một sự cởi mở, sẵn sàng trao cơ hội cho tất cả những người có khả năng. Chỉ có điều phương pháp của ông hơi kỳ lạ: triệu tập số cầu thủ nhiều nhất có thể rồi chọn lựa sau, giống như việc người ta đưa rất nhiều nguyên liệu vào một nồi lẩu vậy.
Thường thì các HLV ĐTQG luôn có cho mình một triết lý, hệ thống chiến thuật cụ thể. Sau đó tìm kiếm những cầu thủ phù hợp dựa trên phong độ, số liệu và quan sát cá nhân. Với cách làm của Li Xiaopeng, người ta dễ dàng đặt câu hỏi, liệu ông có kế hoạch cụ thể nào hay chưa? Trước khi ngồi vào chiếc ghế do Li Tie bỏ lại, kinh nghiệm huấn luyện của Li Xiaopeng không mấy phong phú. Ông có 1 năm dẫn dắt ĐT nữ Trung Quốc nhưng kém thành công, kế đến là giai đoạn ngắn dẫn dắt Qingdao Zhongneng và Shandong Luneng, xen kẽ là quãng thời gian làm công tác quản lý, điều hành ở những đội khác nhau.
Phải chăng nhận thức sự hạn chế của bản thân, Li Xiaopeng đã tìm đến sức mạnh tập thể khi tạo nên đội ngũ trợ lý đồ sộ không kém. Ban huấn luyện của ông lên đến 15 người. Ngoài hai người nước ngoài, 13 người còn lại đều là các cựu tuyển thủ Trung Quốc hiện đang là HLV hoặc quản lý ở CLB thuộc China Super League. Một số cái tên nổi tiếng như Sun Jihai, Zheng Zhi hay Chen Yang. Và dựa trên số lượng và vị trí mà họ từng chơi khi còn là cầu thủ, thậm chí có thể tạo nên một đội bóng hoàn chỉnh với đầy đủ sức cạnh tranh.
Điểm đáng chú ý là phần lớn đều ngang tuổi hoặc trẻ hơn Li Xiaopeng, và kinh nghiệm cũng không nhiều, danh tiếng trên phương diện huấn luyện cũng không cao. Có trường hợp như Zhao Junzhe chủ yếu làm công tác quản lý chứ không huấn luyện trong nhiều năm trở lại đây, dẫn đến việc ông này vấp phải sự phản đối gay gắt khi tự ứng cử vào vị trí HLV ĐT nữ hồi năm ngoái. Shao Jiayi cũng vậy, chỉ là HLV danh dự của đội Đại học Trùng Khánh và cả năm ra sân vỏn vẹn 5 lần.
Mặc dù Ban huấn luyện lâm thời này làm việc không hợp đồng và tự động giải tán vào tháng 2, nhưng dàn trợ lý “nhiều nhưng không tinh” này có thực sự giúp ích cho đội tuyển, hay chỉ khiến mọi thứ rối thêm? Xie Qiang, cựu phiên dịch của ĐTQG Trung Quốc, gay gắt trên mạng xã hội rằng “đây là sự sỉ nhục”. Theo ông, riêng việc sắp đặt chỗ ngồi cho họ trong khu kỹ thuật đã là cả một vấn đề. Ai có chỗ, ai không, ai sẽ đứng và ai sẽ ngồi? Riêng chuyện này cũng đủ khiến Li Xiaopeng phải đau đầu.