Lại một vụ CSGT “đu” trên đầu xe khách để buộc lái xe dừng lại, xảy ra ở Hà Nội. Cụ thể là khoảng 17 giờ 20 phút ngày 9-4, đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trước cổng bệnh viện huyện Ba Vì, Hà Nội, trung úy Nguyễn Mạnh Phan - Đội CSGT trật tự Công an huyện Ba Vì phát hiện xe khách loại 39 chỗ ngồi mang vi phạm luật giao thông nên đã ra hiệu lệnh dừng xe. Sau đó lái xe liều lĩnh cho xe chạy dù trung úy Phan vẫn kiên quyết bám cần gạt mưa của chiếc trong hơn 1km. Video anh cảnh sát đánh đu trước đầu chiếc xe đang chạy được tung lên mạng và thành tin “hot”.
Không bàn đến hành vi liều lĩnh của lái xe Phùng Hồng Phương, nhưng những hình ảnh CSGT liều mình như chẳng có, thực hiện các pha đu bám trên nắp capo xe, trên cần gạt nước không khác gì phim hành động xuất hiện ngày càng nhiều.
Kiên quyết đấy, dũng cảm đấy, nhưng xem những cảnh “action” kiểu này cứ thấy… sao sao. Bởi các anh vì dân phục vụ, quên thân mình (hay là coi thường tính mạng mình?) như thế mà nhỡ ra thì vợ con các anh khổ, gia đình các anh đau đớn mà nhà nước mất đi cán bộ được đào tạo bao nhiêu năm bằng ngân sách.
Không những vậy, những cảnh đu người bắt xe kiểu này ở một góc độ khác mang đến cho những người chứng kiến cảm giác rằng CSGT của chúng ta có gì đó thiếu chuyên nghiệp, làm việc theo kiểu tiểu nông. Thiếu gì cách khác an toàn hơn, quy củ hơn để dừng một chiếc xe vi phạm. Và đâu cứ nhất thiết CSGT cứ phải lao ra giữa đường trước bao nhiêu xe cộ nườm nượp qua lại để chặn xe, vừa nguy hiểm vừa phản cảm.
Lắm lúc, hành vi, dù mục đích là bảo đảm pháp luật được thi hành, của CSGT như dùng dùi cui đánh chặn người vượt đèn đỏ, dù đây không phải là những tội hình sự, cho thấy sự vượt quá giới hạn. Đã có những kêu ca về những cách xử lý các vấn đề giao thông của cảnh sát, rằng có vẻ nó vừa bạo lực, vừa thiếu chuyên nghiệp. Chả thế mà chuyện thọc gậy bánh xe và nhất là những hình ảnh dùng lưới đánh cá quăng bắt kẻ đua xe lạng lách trái phép ở Việt Nam lại lên báo Mỹ.
CSGT có thể phàn nàn rằng ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn kém. Nhưng tác phong điều hành giao thông của nhiều CSGT cũng chưa thực sự chuẩn mực, trong khi những hình ảnh ấy đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành suy nghĩ của người dân về họ. Trong khi ấy, đặc thù công việc khiến cảnh sát, công an, nhất là CSGT gần dân hơn cả bộ đội.
Có người bạn nói, ở TPHCM, thỉnh thoảng anh bắt gặp một nữ CSGT, mặt mũi đỏ rực vì nắng, mồ hôi nhễ nhại đứng điều khiển giao thông. Và anh bảo, nhìn những hình ảnh thân thương ấy, chẳng ai bảo ai mà xe cộ cứ qua lại răm rắp, trật tự. Khi hình ảnh CSGT “lên” trong mắt người dân, chắc chắn ý thức chấp hành giao thông của họ cũng lên theo.