A22 Sports Management, công ty đứng sau màn ra mắt thất bại của European Super League (ESL) hồi tháng 4/2021 vừa bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới, Bernd Reichart. Ông này tuyên bố sẽ chiến đấu để ESL, dự án vẫn được phát triển bởi Real, Barca và Juventus, trở thành sự thực trong vòng 3 năm tới. Song song với chiến dịch kiện UEFA lên Tòa án Công lý Châu Âu, ESL cũng thay đổi cương lĩnh.
Bằng cách nào đó, tờ The Times đã có trong tay bản tài liệu vừa được A22 gửi đến các CLB châu Âu nhằm vận động cho ESL. Trong đó, Real, Barca và Juventus nêu bật sự cần thiết phải có một giải đấu như ESL để chống lại sự bành trướng của Premier League, đồng thời coi các đội bóng Anh là một vấn đề trong sự phát triển chung.
Tài liệu nêu rõ: “giải Ngoại hạng Anh (EPL) đã trở thành một Siêu giải đấu toàn cầu và vượt trội phần còn lại của châu Âu khi nhìn vào số tiền bỏ ra cho chuyển nhượng. Mùa hè 2022, chi tiêu ròng ở các đội bóng thuộc EPL là 2,25 tỷ euro (khoảng 1,9 tỷ bảng), nhiều hơn cả La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1 cộng lại”.
Họ cũng chỉ ra, một đội mới lên hạng ở Anh như Nottingham Forest cũng dễ dàng “tiêu 160 triệu euro để tăng cường cầu thủ, trong khi không CLB nào trong tổng số 78 đội thuộc Serie A, La Liga, Bundesliga và Ligue 1 chi nhiều hơn thế”. Chưa hết, về tiền lương, “tổng hóa đơn của EPL cao gần gấp đôi giải đấu đứng sau ở châu Âu”.
Một phần lý do tạo nên sự chênh lệch khủng khiếp này, bên cạnh gói bản quyền truyền hình khổng lồ của EPL, “6 CLB lớn của nước Anh đều thuộc sở hữu của liên danh các tỷ phú, nhà tài phiệt hoặc một quỹ đầu tư công”. Mặc dù EPL không quá vượt trội về số danh hiệu vô địch Champions League, chỉ đăng quang 2 lần, ít hơn 5 của Real trong một thập kỷ qua, nhưng họ đang thiết lập ảnh hưởng cực lớn.
“Champions League không còn là một giải đấu châu Âu thực sự cởi mở. Nó bị thống trị bởi các CLB Anh. Trong phần còn lại ở châu Âu, rất ít trường hợp bắt kịp họ”, báo cáo ghi rõ, “2/4 trận chung kết đã qua là cuộc đấu nội bộ của Anh, chỉ Real mới ngăn được trận chung kết thứ 3 toàn Anh vào tháng 6 vừa rồi. Trong 5 mùa gần nhất, khoảng 75% số đội lọt vào bán kết Champions League đến từ Anh. Chỉ có một số ít trường hợp ngoại lệ là PSG, Real và Bayern”.
Với hành động này, ESL không chỉ gạt các CLB Anh khỏi cuộc chơi dự kiến, mà còn xác định đây là đối tượng để chống lại. Dù sao thì Premier League cũng khó trở lại ESL.
Sau cú “quay xe” khẩn cấp dẫn đến sự sụp đổ của ESL năm 2021, những đội bóng lớn ở Anh như MU, Man City, Chelsea, Liverpool, Tottenham và Arsenal đã phải ký một thỏa thuận với Ban tổ chức Premier League, rằng sẽ bị trục xuất khỏi giải đấu hàng đầu xứ sương mù nếu tham gia ESL.