Hậu Giang: Nông thôn khởi sắc, phát triển bền vững

Là một trong 4 trụ cột phát triển của tỉnh, nền nông nghiệp của Hậu Giang đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc trên tiến trình đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá ở miền Tây.

Hậu Giang có tổng diện tích tự nhiên hơn 162.200ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 86%; dân số 728.293 người, trong đó gần 72% sinh sống ở khu vực nông thôn. Cơ cấu khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm gần 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy Hậu Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng Kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Nông nghiệp là một trong 4 trụ cột phát triển của Hậu Giang.

Hậu Giang định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái; từng bước xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào quy trình sản xuất.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, từ năm 2021-2023, tỉnh chuyển đổi gần 15.000ha, trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hằng năm gần 1.000ha, cây lâu năm gần 2.200ha, diện tích trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 11.810ha. Việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-4 lần so với trồng lúa…

Mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải ở Hậu Giang.

Huy động nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM)

Theo ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, từ năm 2019 đến nay, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chính sách có liên quan đến đất đai, thuế, tín dụng, môi trường, lao động, đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh huy động nhiều nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia. Kết quả xây dựng NTM đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; nhận thức của cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM.

Toàn tỉnh đến nay có 41/51 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân hơn 18 tiêu chí/xã; có 11 xã NTM nâng cao và 5 xã NTM kiểu mẫu, có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Một số mô hình nổi bật trong xây dựng NTM được người dân tích cực hưởng ứng và nhân rộng. Đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho tổng số 266 sản phẩm OCOP, trong đó, có 92 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của trung ương.

Công tác xóa đói giảm nghèo đã đem lại nhiều kết quả thật sự có ý nghĩa thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, tăng dần mức sống dân cư ở các xã nghèo, các vùng khó khăn; xây dựng rất nhiều mô hình giảm nghèo… Qua đó đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-2%/năm, năm 2023 còn 3,29%.

Năm 2024 được Hậu Giang xác định là năm về đích những chỉ tiêu trọng yếu của nhiệm kỳ.

Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH)

Nhằm cụ thể hóa kịch bản tác động của BĐKH, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, sinh thái nông thôn, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch về hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Ngành nông nghiệp có Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án). Nhiều HTX, liên hiệp HTX tham gia Đề án đã được phê duyệt đầu tư hạ tầng và chế biến sản phẩm; triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh, nông nghiệp theo hướng an toàn và đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thực hiện cơ giới hóa trong toàn bộ các khâu sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng không dấu chân”…

Ông Huỳnh Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành (huyện Vị Thủy) cho biết, từ khi tham gia Đề án, các thành viên HTX chú trọng sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho người dân. HTX có 100ha lúa sản xuất đạt chuẩn VietGAP, bà con đã và đang áp dụng 100% cơ giới hóa trong canh tác.

Nhiều HTX tham gia Đề án đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Bà Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc HTX Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp) cho hay, HTX đa dạng sản phẩm từ cá thát lát, trong đó có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và phấn đấu đạt 5 sao trong thời gian tới. Các sản phẩm của HTX đã có mặt ở 30 đại lý phân phối trên khắp cả nước và đã có những đơn hàng xuất khẩu.

Theo ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, quan điểm thực hiện Đề án là lấy HTX và doanh nghiệp làm trung tâm, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, chủ động thích ứng BĐKH, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị; chú trọng chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm để tăng thu nhập cho người dân.

“Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án, ngành nông nghiệp tỉnh luôn nhận được sự tham gia tích cực từ ngành chức năng các địa phương cũng như HTX, doanh nghiệp và người dân để góp phần mang lại nhiều tín hiệu tích cực…” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang chia sẻ.

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, từ nay đến năm 2030, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với BĐKH, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có điều kiện lợi thế…

Tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 3,05%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5-6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 100%, xã NTM nâng cao đạt trên 50%, xã NTM kiểu mẫu đạt trên 20%; 6/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, trong đó phấn đấu 2 đơn vị đạt chuẩn NTM nâng cao.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiểu 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 90%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 70%...