Phát biểu khai mạc Diễn đàn "Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới" do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều FTA, trong số 13 hiệp định đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ: “Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%”.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90%-93%, Satra 90%-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%…
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng loạt FTA lớn đã và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thực thi đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội và thách thức.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, đến năm 2035 hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương 15 tỷ USD. Trong bối cảnh này, tính cạnh tranh giữa hàng nội địa sẽ ngày càng được nâng cao, chưa kể hàng hoá từ các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... cũng tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Do đó, để chinh phục được thị trường quốc tế, trước tiên hàng Việt Nam phải chiến thắng được ngay trên "sân nhà".
Theo bà Nga, trong 10 năm qua, kể từ khi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động, đến nay, hàng Việt Nam đã dần được người tiêu dùng trong nước tin dùng.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ: "Cần nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin – cho”
Cơ hội song hành thách thức
Ông Nguyễn Khoa Đức Anh – Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Giải pháp Tài chính Khách hàng - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chỉ rõ, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ "song hành" cùng khó khăn và thách thức. Cụ thể, áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài trên thị trường Việt Nam ngày càng lớn. Ngoài EVFTA, Việt Nam cũng đã mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo một số cam kết FTA khác (ví dụ trong ASEAN, trong CPTPP…) qua đó, mở đường cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cạnh tranh với các doanh nghiệp tài chính Việt Nam.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ thắng thắn: “Không thể bác bỏ thực trạng yếu kém thực lực của các doanh nghiệp Việt sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường – mở cửa. Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được “trạng thái bình thường mới”, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp “nóng”.
Theo ông Trần Đình Thiên, cần nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa và nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin – cho”. Có được môi trường cạnh tranh công khai minh bạch sẽ thoát khỏi rất nhiều nỗi lo hiện tại của doanh nghiệp Việt. Đây là nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của hệ thống tham nhũng, lãng phí, làm méo mó toàn bộ cấu trúc thị trường.
Ông cũng đề nghị áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”. Sự thay thế này sẽ giúp kích thích tinh thần đua tranh giành thắng một cách đàng hoàng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Xác lập cách tư duy – tiếp cận mới về “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”. Phải đặt việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành một Chương trình – Chiến lược hành động quốc gia ưu tiên hàng đầu, trong đó, việc gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột.
“Các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA cũng đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn. Không thể phủ nhận, tham gia vào các FTA này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan (mức cao nhất lên đến 99% số dòng thuế), tuy nhiên song song với điều này, xu hướng bảo hộ, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường ngày càng cao, các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường các nước tham gia FTA với Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng, đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng tới khả năng tận dụng thuế quan. Cần có biện pháp để không để Việt Nam trở thành sân sau cho các nước khác lợi dụng để xuất khẩu vào các thị trường dành ưu đãi theo FTA cho Việt Nam”, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ.