Mới đây, Mazda đã tăng giá đồng loạt các xe gầm cao. Cụ thể, mẫu SUV gầm cao 5 chỗ Mazda CX-5 bản Premium và Luxury lần lượt tăng 10 triệu đồng và 30 triệu đồng. Mẫu bán tải Mazda BT-50 cũng nâng 20 triệu đồng.
Ngoài ra, dòng Mazda CX-8 chứng kiến mức tăng mạnh. Bản CX-8 Luxury nâng 110 triệu đồng. Đồng thời, bản Deluxe vàPremium của dòng xe này cũng đồng loạt tăng 80 triệu đồng và 90 triệu đồng.
Đáng chú ý, thương hiệu Nhật Bản sẽ cắt bỏ, ngừng bán một số phiên bản của các sản phẩm trong thời gian tới bao gồm CX-5 2.5 Signature Luxury, CX-5 2.5 Signature Premium 2WD, Mazda 2 Deluxe 1.5 và Mazda 3 Sport Deluxe hatchback 1.5.
Hyundai cũng tăng giá, tập trung vào các mẫu crossover 5 - 7 chỗ hút khách. Điển hình như Hyundai Santafe, Hyundai Tucson và Hyundai Creta. Chúng chứng kiến mức tăng thêm 10 - 35 triệu đồng theo từng phiên bản. Đối với Hyundai Tucson, bản tiêu chuẩn máy xăng 2.0 lít sẽ tăng 20 triệu đồng.
Trong đó, giá niêm yết của Hyundai Santafe 2.5 máy xăng và Santafe 2.2 máy dầu bản tiêu chuẩn là 1,055 và 1,155 tỉ đồng, tăng 25 triệu đồng. Giá bán phiên bản Hyundai SantaFe 2.5 máy xăng cao cấp, SantaFe 2.2 và Tucson 1.6 Turbo HTRAC máy dầu cao cấp đều tăng thêm 35 triệu đồng.
Cùng với đó, Toyota cũng vừa điều chỉnh mức giá của Fotuner nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Từ tháng 11, hai phiên bản nhập khẩu bao gồm Fortuner 2.7L 4x4 AT và Fortuner 2.7L 4x2 AT sẽ được bổ sung các trang bị an toàn như camera quanh xe 360 (Panoramic View), hệ thống cảnh báo điểm mù (BSM) cùng với hệ thống cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau (RCTA). Do đó, giá niêm yết của chúng sẽ tăng 42 triệu đồng so với trước đây. Đồng thời, các phiên bản lắp ráp trong nước của mẫu xe kể trên sẽ sở hữu mức giá mới từ 1,026 - 1,470 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một số hãng ô tô lớn tại thị trường Việt cũng đang có xu hướng "hạ nhiệt" giá niêm yết. Một số mẫu SUV gầm cao hiện hưởng nhiều chính sách ưu đãi bao gồm Subaru Forester và Honda CR-V. Đồng thời, hàng loạt sedan đến từ nhiều hãng cũng đang sẵn sàng chào khách Việt với mức giá phải chăng.
Dù thị trường ô tô đang trên đà hồi phục, tình trạng khủng hoảng chất bán dẫn, thiếu chip vẫn chưa được khắc phục trên phạm vi toàn cầu. Do đó, giá nguyên vật liệu sẽ trở nên ngày một cao. Điều này được đánh giá là nguyên nhân dẫn đến một số sản phẩm bán chạy trong nước tăng giá.
Ngoài ra, khi thị trường ô tô dần sôi động trở lại, tình trạng bán xe "kèm lạc" vẫn tồn tại ở nhiều đại lý chính hãng. Vì vậy, trước khi quyết định mua xe hơi, khách hàng cần tìm hiểu, nắm rõ thông tin sản phẩm để sẵn sàng về mặt tài chính.