Hàng loạt 'ông lớn' BĐS dính kiện cáo

Mới "chân ướt chân ráo" nhảy vào thị trường, doanh nghiệp đã vấp phải những vụ lùm xùm. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, yếu kém mà ngay cả những tên tuổi trong làng bất động sản (BĐS) cũng dính phải những vụ việc như này.

Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP. Hà Nội đã khám xét Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng - xuất nhập khẩu Hồng Hà để làm rõ về hành vi lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian giao nhà đã đến song dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Mặc dù chưa được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ nhưng đơn vị này đã tổ chức rao bán căn hộ. Hiện số tiền mà người dân góp vốn vào công ty Hồng Hà đã lên tới trên 200 tỷ đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Hàng trăm khách hàng của dự án chung cư La fontana - do công ty CP đầu tư Gia Tuệ làm chủ đầu tư - cũng đang yêu đơn vị này hoàn thành nghĩa vụ của mình sau khi có yêu cầu của người mua về việc rút vốn. Để mua được nhà dự án này, khách hàng phải đóng tiền thông qua hình thức hợp đồng góp vốn hàng tỷ đồng.

Thời gian giao nhà đã đến song dự án vẫn còn nằm trên giấy. Quá bức xúc, khách hàng đã yêu cầu Gia Tuệ phải trả lại tiền. Tuy nhiên, trong tình cảnh khó khăn như hiện nay, chủ đầu tư luôn tìm cảnh lẩn tránh.

Dự án Ecopark Tuần Châu cũng đã khiến cho không ít khách hàng phải ngậm "trái đắng". Hơn 18 tháng trôi qua, dự án này vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500 và cũng chưa xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

Dự án Mekong Plaza nằm tại khu đô thị Geleximco do Mekong Land làm chủ đầu tư, hiện cũng đang gặp phải hiện tượng nhiều khách hàng đòi rút tiền...

Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng gặp nạn. Điển hình như vụ hàng chục nhà đầu tư biểu tình đòi quyền lợi tại dự án Xuân Phương do Viglacera làm chủ đầu tư. Sau nhiều tháng qua khiếu nại, đấu tranh đòi quyền lợi nhưng chủ đầu tư dự án Xuân Phương đã không chấp nhận, cực chẳng đã nhiều khách hàng kiện chủ đầu tư ra TAND huyện Từ Liêm.

Trong đơn khởi kiện, khách hàng đưa ra 2 vấn đề: Viglacera đã không thực hiện đúng cam kết theo đơn đăng ký mua nhà, thời gian huy động vốn của khách hàng đã quá hạn hàng năm nhưng chủ đầu tư không đả động đến quyền lợi của người góp vốn, nhóm khách hàng yêu cầu chủ dự án phải tính lãi suất tiền huy động vốn (tương đương 20% giá trị hợp đồng) theo lãi suất ngân hàng trong thời gian quá hạn thỏa thuận huy động vốn.

Mác "dầu khí" nhưng dự án Hanoi Time Tower của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVCR) làm chủ đầu tư cũng đang gặp rắc rối. Hàng trăm khách hàng đã âm ỉ đòi tiền chủ đầu tư từ nhiều tháng nay, do họ đã nộp tiền góp vốn từ năm 2010 nhưng cho đến 9-2012 dự án vẫn chưa xây dựng xong tầng hầm. Tương tự như vậy, nhiều dự án của doanh nghiệp dầu khí cũng đang trong tình trạng "đắp chiếu".

Nhà thầu tố chủ đầu tư

Trước đây, mối tình khăng khít giữa chủ đầu tư và nhà thầu luôn bền chặt nhưng lúc "cơm không lành canh chẳng ngọt", chây ì nợ nần, nhà thầu cũng đành phải lôi chủ đầu tư ra tòa.

Cách đây không lâu, Công ty TNHH Phát triển công nghiệp năng lượng cũng có thư kêu cứu đến cơ quan truyền thông, "tố" công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) chây ỳ việc trả nợ số tiền lên đến trên 11 tỷ đồng, là tiền thi công lắp đặt hệ thống điều hòa, thông gió Dự án tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Hà Đông. Đơn vị này thi công đã đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011 và được phía đối tác phê duyệt quyết toán. Tuy nhiên, số tiền còn lại của hợp đồng thì chủ đầu tư né tránh chưa chịu trả.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang đã khởi kiện Công ty CP Bất động sản AZ (AZLand) ra TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội), vì không thể đòi được số tiền trên 1,8 tỷ đồng từ gói hợp đồng khoan cọc nhồi thí nghiệm Chung cư CT1 AZ Vân Canh. Theo một đại diện của Long Giang, việc khởi kiện đối tác cũng là "cực chẳng đã". Thế nhưng, bản thân nhiều nhà thầu thi công cũng chịu sức ép đòi nợ từ các đơn vị đối tác.

Từ đầu năm 2012 đến nay thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản thực sự gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động từ khách hàng để triển khai dự án, khi thị trường trầm lắng sẽ bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiệp bất động sản là khá cao khi mà tiền mặt của nhiều đơn vị đã cạn kiệt trong khi nợ ngân hàng vẫn đang chất đống với lãi suất cao.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, những năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển không ổn định. Những cơn sốt giá nhà và lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp đã đổ xô vào đầu tư phát triển bất động sản, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính.

Theo CBRE VN, tái cơ cấu doanh nghiệp đã và đang diễn ra do các chủ đầu tư gặp vô vàn khó khăn trong việc giải quyết các khoản nợ tồn đọng và nhu cầu mua nhà hạn chế. Do vậy, một số doanh nghiệp không có chức năng chính là kinh doanh bất động sản đã và đang thoái vốn khỏi lĩnh vực này.

Các chủ đầu tư cũng đang xem xét lại chiến lược kinh doanh cho phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu và loại hình sản phẩm chào bán. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng đang nỗ lực hơn trong các khâu bán hàng và chăm sóc khách hàng như sẵn sàng đàm phán về giá và các điều khoản thanh toán.

Theo Vef.vn

Theo Tổng hợp