Hàng lậu tự do qua biên giới Quảng Ninh: Cơ quan chức năng ở đâu?

TP - Dù tình trạng buôn lậu ở vùng biên huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đang diễn ra rất nóng, nhưng báo cáo, số liệu của các cơ quan chức năng tại đây về vấn nạn này đều là những con số đẹp. Đại diện một số cơ quan liên tục khẳng định không bao giờ có tình trạng buôn lậu ở Bình Liêu.
Trạm kiểm soát liên ngành luôn có người túc trực chỉ nằm cách điểm vận chuyển hàng lậu chưa đầy 50m.

Sau hơn 1 tuần mật phục, nhập vai để tìm hiểu, thâm nhập đường dây buôn lậu từ Trung Quốc về Việt Nam tại huyện biên giới Bình Liêu. Phóng viên (PV) Tiền Phong không khỏi ngỡ ngàng trước cách vận chuyển và số lượng hàng hóa được chuyển công khai qua biên giới trước sự giám sát của lực lượng biên phòng.

Huyện Bình Liêu có hơn 43km đường biên giới giáp với Trung Quốc, cũng là huyện được mệnh danh có đường tuần tra biên giới đẹp nhất Việt Nam nằm trên “sống lưng khủng long”. Ít ai biết, số lượng lớn hàng hóa không rõ xuất xứ hằng ngày được tuồn qua biên giới. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại Bình Liêu ngoài cửa khẩu Hoành Mô còn có ít nhất 8 lối mòn thường xuyên có hàng lậu.

Tính sơ qua, mỗi đêm riêng lối mòn tại chợ Đồng Văn có trên dưới 100 tấn hàng lậu được tuồn về. Điều đặc biệt là lối mòn này nằm cách trạm kiểm soát liên ngành Hải quan -  Biên phòng chưa đầy 50m. 

Ngày 8/1, PV Tiền Phong có buổi làm việc với đại diện chi cục Hải quan Hoành Mô và đồn biên phòng Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh). Theo ông Nguyễn Hồng Hải, chi cục phó Hải quan cửa khẩu Hoành Mô thì không hề có tình trạng buôn lậu diễn ra trong ranh giới quản lý của đơn vị này. Còn theo ông Bùi Quang Hạnh, Chính trị viên đồn biên phòng Hoành Mô cũng khẳng định không hề có chuyện buôn lậu ở Hoành Mô.

Sau khi được PV cung cấp những hình ảnh PV ghi lại được và thông tin việc Biên phòng trực tiếp kiểm hàng, thu tiền luật của các “đầu nậu”, ông Hạnh tỏ ra bất ngờ và khẳng định chúng tôi không chỉ đạo cấp dưới làm những việc này. Khi được hỏi “lãnh đạo đồn có biết việc này không?”, ông Hạnh chỉ im lặng.

Trong lúc làm việc với ông Hạnh, 1 người mang thường phục tự giới thiệu là đồn phó tên là Nguyễn Thế An (đang giữ quyền trưởng đồn do đồn trưởng đang đi học) xin được làm việc cùng, trong lời nói và hành động có vẻ như ông này vừa uống rượu. Để giải thích việc này, ông An phân trần là vừa vào bản của dân để kiểm tra tình trạng gia súc chết do thời tiết xấu nên mặc thường phục.

Sau khi cung cấp các hình ảnh và thông tin nhưng phía lãnh đạo đồn vẫn bán tín bán nghi nên PV đã đề nghị ông Hạnh và ông An cùng PV ra hiện trường. Cả 2 vị này đều từ chối với lý do sắp đón đoàn của một đơn vị báo chí xuống giao lưu, ghi nhận hình ảnh. Giữa cuộc làm việc, 2 vị lãnh đạo đồn xin phép ra ngoài hội ý. Sau khoảng 20 phút hội ý, ông An quay vào và khẳng định sẽ xử lý nghiêm cấp dưới nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu như PV đã thông tin và đồng ý cùng PV ra hiện trường.

Tại khu vực suối Con Rắn, cả 2 vị lãnh đạo đồn đều cho rằng, chiếc cầu tre đang bắc qua suối còn rất mới. Còn những chiếc cầu sắt đang được giấu trong bụi cỏ gần bờ là vật liệu của đơn vị thi công kè gần đấy nhưng không biết để làm gì. Sau đó, ông An liên tục nghe điện thoại cho đến lúc PV xin phép quay về.

Tại khu vực chợ Đồng Văn, lúc PV vừa đi xe vào, trong trạm kiểm soát liên ngành đã có 1 chiến sỹ ngồi trực và đon đả ra bắt tay. Khi được PV miêu tả cảnh hàng lậu tuồn qua trước cửa trạm kiểm soát, ông Hạnh chỉ im lặng và chốc chốc lại nói nhỏ vào tai - “Thôi chú bình tĩnh, có gì từ từ nói”. Còn ông An vẫn liên tục điện thoại.

Sau khi làm việc với chi cục Hải quan và Biên phòng Hoàng Mô, PV đã liên hệ ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu 389 của huyện để đặt lịch làm việc. Nhưng ông Trường cho biết đang ở tỉnh không về kịp nên PV xin phép trao đổi qua điện thoại. Khi PV vừa thông tin tình trạng buôn lậu ở biên giới Bình Liêu, ông Trường cho rằng, không hề có việc đó và tỏ ra khó chịu - “Bình Liêu làm gì có buôn lậu hả anh, anh kiểm tra lại thông tin đấy, còn anh cứ nói thế tôi không làm việc với anh nữa”. Nói xong, ông Trường tắt máy.