Hãng dược Trung Quốc hối lộ quan chức chính phủ

TP - Một số giám đốc điều hành của tập đoàn dược đa quốc gia GlaxoSmithKline (GSK) ở Trung Quốc vừa thú nhận đã hối lộ nhiều quan chức chính phủ và trốn thuế. Đây được coi là một trong những vụ tham nhũng lớn nhất liên quan công ty nước ngoài trong 3 năm qua ở Trung Quốc.

> Con người làm nên văn hóa khác biệt
> Tìm kiếm nhà lãnh đạo tương lai từ các tân cử nhân

GSK (trụ sở chính ở Anh) thừa nhận hối lộ nhiều quan chức chính phủ, các tổ chức y tế, bệnh viện và bác sĩ nhằm tăng doanh số và giá bán, Bộ Công an Trung Quốc thông báo trên website của mình ngày 11/7. Ngoài ra, Giám đốc điều hành của GSK sử dụng hóa đơn giả để trốn thuế. Thông báo không nói rõ bao nhiêu giám đốc của GSK bị điều tra, thông tin cá nhân của họ cũng như việc thẩm vấn diễn ra khi nào, còn GSK chỉ thông báo sẵn sàng hợp tác với chính quyền.

Các giám đốc của GSK sẽ chính thức bị buộc tội sau khi cơ quan chức năng nước này hoàn thành điều tra sơ bộ. Bên cạnh đó, GSK cũng gặp phải nhiều vấn đề khác ở Trung Quốc. Hồi đầu tuần, hãng dược này thông báo đang điều tra cáo buộc nhân viên của mình sử dụng sai cách tiếp thị phương pháp thẩm mỹ dùng Botox.

Ngoài GSK, Merch & Co và một số hãng dược trong và ngoài nước cũng đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra vì nghi ngờ gian lận chi phí và giá cả. Trung Quốc đang trở thành thị trường ngày càng quan trọng đối với các công ty dược quốc tế, vì họ đang phải dựa vào những thị trường mới nổi để bù đắp cho doanh số ngày càng giảm ở thị trường phương Tây, nơi nhiều loại thuốc chính của họ đã bị mất bảo hộ bằng sáng chế.

Trường hợp của GSK là vụ điều tra thương mại lớn nhất ở Trung Quốc từ khi 4 giám đốc điều hành của hãng khai mỏ Rio Tinto Plc (trụ sở chính ở Anh, văn phòng quản lý ở Úc) bị kết án tù vào tháng 3/2010 vì tội nhận hối lộ và đánh cắp bí mật thương mại. Bốn người, gồm một người Úc gốc Trung Quốc và 3 người Trung Quốc, phải ngồi tù 7 - 14 năm vì tội lấy trộm thông tin từ các cuộc họp mật giữa cơ quan đại diện cho ngành công nghiệp thép và các đối tác cung cấp quặng.

Trung Quốc đang nhắm vào các công ty nước ngoài khi người tiêu dùng nước này luôn đánh giá hàng ngoại cao hơn hàng nội. Các hãng sữa nước ngoài cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ làm giá. Hôm qua, Mead Johnson, nhà sản xuất nhãn hiệu sữa trẻ em Enfamil, thông báo sẽ giảm giá 7-15% từ ngày 16/7. Ngoài Mead Johnson, hãng Danone, Nestle, Abbott và Biostime cũng bị Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc điều tra. Danone thông báo giảm 20% giá, còn Nestle giảm trung bình 11%.

TRÚC QUỲNH
Theo China Daily, South China Morning Post

Theo Báo giấy