Hạn chế tình trạng bầu hộ, bầu thay

TP - Ngày 25/2, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp”.

Theo bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật bầu cử đại biểu QH và HĐND năm 2015 quy định, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức.

Tuy nhiên, theo bà Thanh, để đạt được kết quả trên đòi hỏi việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, có vị trí chức danh tương đương nhau, khắc phục tình trạng giới thiệu cơ cấu nữ với nghĩa làm “đệm” cho nam hoặc cho lãnh đạo. 

Bên cạnh đó cần vận động đông đảo các nữ cử tri đi bầu cử đồng thời phải giám sát chặt chẽ việc bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bầu hộ, bầu thay. Vì trong các cuộc bầu cử ở hầu hết các địa phương, người đi bầu hộ, bầu thay chủ yếu là nam giới; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ảnh hưởng, chi phối đến việc sẽ bỏ phiếu cho giới nào.