Khi bàn bạc để tìm lãnh đạo mới, Hamas phải lắng nghe ý kiến không chỉ của nước hậu thuẫn chính - Iran - mà cả lợi ích của quốc gia Ả-rập Vùng Vịnh Qatar, nơi các ứng cử viên chính sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo nhánh chính trị của lực lượng đang cư trú.
Ông Sinwar, người chủ mưu vụ tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel, đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng với lực lượng Israel ngày 16/10. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 3 tháng Hamas mất đi lãnh đạo hàng đầu.
Ông Ismail Haniyeh bị ám sát tại Iran hồi tháng 7. Khi lên thay, ông Sinwar đã hợp nhất đội ngũ lãnh đạo quân sự và chính trị ở Dải Gaza, nhưng điều đó có vẻ sẽ không xảy ra lần này.
Chiến dịch tấn công dữ dội của Israel vào Dải Gaza suốt hơn 1 năm qua đã giáng những đòn mạnh vào Hamas, giết chết hàng nghìn chiến binh và lãnh đạo cấp cao của lực lượng.
Ông Khalil Al-Hayya, cấp phó của ông Sinwar, vừa đưa ra tuyên bố mới, rằng các con tin Israel sẽ không được thả cho đến khi quân đội Israel rút khỏi Dải Gaza và xung đột kết thúc.
Hamas có truyền thống thay thế lãnh đạo rất nhanh. Hội đồng Shura - cơ quan ra quyết định của lực lượng - có nhiệm vụ bổ nhiệm lãnh đạo mới.
Hội đồng Shura đại diện cho tất cả các thành viên Hamas ở Dải Gaza, Bờ Tây, các nhà tù của Israel và cộng đồng người Palestine lưu vong, nghĩa là nhà lãnh đạo mới phải có thẩm quyền tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn ngay cả khi không ở Dải Gaza.
Ngoài ông Hayya - đại diện chính của Hamas trong các cuộc đàm phán, những ứng viên khác đang được cân nhắc bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo gồm ông Khaled Meshaal - người tiền nhiệm của ông Haniyeh; và ông Mohammad Darwish - nhân vật ít được biết đến nhưng là người chủ trì Hội đồng Shura, các nhà phân tích và một nguồn tin của Hamas cho biết.
Hamas sẽ cần thông báo cho Qatar - quốc gia đã đóng vai trò chính trong các vòng đàm phán ngừng bắn, và các quốc gia khác trong khu vực trước khi đưa ra quyết định, nguồn tin cho biết.
Ashraf Abouelhoul, một chuyên gia về các vấn đề Palestine, cho rằng vai trò mà ông Sinwar từng đảm nhận sẽ được chia làm hai khi bổ nhiệm lãnh đạo mới, gồm người phụ trách chính trị và người phụ trách quân sự.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố việc loại bỏ ông Sinwar là một dấu mốc, nhưng cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi các con tin được thả.
"Iran là đồng minh mạnh nhất của Hamas, hỗ trợ nhóm này bằng tiền bạc và vũ khí. Sự ủng hộ của Iran là chìa khóa để quyết định ai sẽ trở thành người kế nhiệm Sinwar", Abouelhoul, biên tập viên quản lý của báo Al-Ahram tại Ai Cập, nhận định.
Được thành lập năm 1987, Hamas là một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo Sunni. Các quyết định của phong trào này thường được đưa ra dựa trên sự đồng thuận trong thể chế của Hamas.