HA.GL, bớt viển vông đi để chiến đấu!

TP - Qua hai trận đấu liên tiếp, đội bóng phố Núi phải thi đấu trong tình trạng thiếu người vì có cầu thủ bị trọng tài rút thẻ đỏ đuổi khỏi sân. HA.GL đã đánh mất lối chơi đẹp dày công xây dựng từ lứa U19?
Người hâm mộ HA.GL bỏ về sớm khi thấy đội nhà chọn lối chơi thủ để bảo toàn tỷ số sau khi tiền đạo Moussa nhận thẻ đỏ ở trận gặp XSKT Cần Thơ cuối tuần qua. Ảnh: VSI

Mất dần lối chơi đẹp

Phút 59 trận đấu giữa Than Quảng Ninh với HA.GL trên sân Cẩm Phả lượt trận 19, tiền đạo Quang Hải đã có pha di chuyển thông minh đón đường chọc khe của đồng đội trước khi sử dụng kỹ thuật và tốc độ vượt qua thủ môn Văn Tiến. Không còn cách nào khác, Văn Tiến phải phạm lỗi với Quang Hải. Trọng tài Phùng Đình Dũng không ngần ngại rút thẻ đỏ trực tiếp truất quyền thi đấu của thủ thành HA.GL, đồng thời cho Than Quảng Ninh hưởng quả phạt 11m. Trận này HA.GL thua đậm đối phương 0-3.

Lượt trận 20 diễn ra cuối tuần qua, HA.GL nhận thẻ đỏ thứ 2 của tiền đạo Sanogo Moussa do chơi xấu với cầu thủ Quang Huy của Cần Thơ. HLV Guillaume Graechen sau trận thừa nhận, Moussa nhận thẻ đỏ xứng đáng với hành vi của mình. Chỉ sau 2 lượt trận, HA.GL liên tiếp phải nhận 2 thẻ đỏ trực tiếp.

Trên diễn đàn bóng đá và các trang mạng, rất nhiều ý kiến đã chỉ trích HA.GL. Một số nhắc lại tuyên bố của bầu Đức trước đây, là sẽ “chặt chân” cầu thủ nào của HA.GL chơi xấu đối phương. Dĩ nhiên, người ta biết ông Đức dùng cách nói quá để nhấn mạnh quan điểm xây dựng “bóng đá đẹp” của HA.GL. Bầu Đức, như dẫn lời của truyền thông, đồng thời cấm tiệt cầu thủ HA.GL phản ứng trọng tài, khi nói đây là hành vi “mất dạy”.

Thực tế là cùng với các thất bại liên tiếp ở V.League, người hâm mộ ngày càng chứng kiến nhiều hơn các tình huống phản đối trọng tài của cầu thủ HA.GL. Mới nhất ở lượt trận 20 khi đấu với Cần Thơ, tiền đạo “con cưng” của ông Đức, Công Phượng, đã vùng vằng bên ngoài đường biên sau một tình huống tranh chấp bóng với cầu thủ đối phương, mà quyết định sau đó của trọng tài nghiêng về phía bên kia. Các học trò của HLV Guillaume Graechen ở nhiều trận đấu cũng biết “câu giờ” khi cần thiết để bảo vệ tỉ số. Công Phượng có đáng trách, HA.GL liệu có phải đang mất dần lối chơi đẹp khi phải cọ xát trong môi trường khắc nghiệt của V.League?

Sẽ không thể đưa ra một câu trả lời thuyết phục được cả hai phía yêu, ghét HA.GL. Ở đây chỉ có một vấn đề đáng nói, là dường như những “người lớn” ở HA.GL đã buộc các cầu thủ mới 19, 20 phải khoác lên mình bộ áo quá nặng của lối chơi đẹp phi thực tế, chỉ để tìm kiếm sự hâm mộ của người xem.

Hãy là những cầu thủ thông minh!

Bóng đá, nói như HLV Trương Việt Hoàng của Hải Phòng, là cuộc chơi của đàn ông. Hầu hết các HLV đều thừa nhận, không thể công khai xui cầu thủ chơi “tiểu xảo” bởi rất dễ bị dư luận chỉ trích. Nhưng cầu thủ khi tập luyện luôn được hướng dẫn để biết “phạm lỗi khi cần thiết”, dĩ nhiên, không bao hàm việc triệt hạ đối phương. Ở góc độ này, Công Phượng, Văn Tiến và các cầu thủ HA.GL chỉ đơn giản là đang thích nghi dần với cuộc chơi giàu tính cạnh tranh hơn so với các giải trẻ.

“Oan” cho V.Leauge, khi khá nhiều người quy kết việc giải đấu cao nhất bóng đá quốc nội là bạo lực để biện minh cho các thất bại liên tiếp của thầy trò HLV Guillaume Graechen. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… liệu có thể chờ đợi sẽ được các đối thủ “nhẹ chân” khi đối diện với các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á, vốn giàu thể lực hơn Việt Nam, như Malaysia, Thái Lan, hay Myanmar…?

Nếu bóng đá đơn thuần chỉ để vì cái đẹp, một cách phi thực tế, thì Arsenal trong trận tranh Community Shield 2015 đã không chấp nhận tử thủ trong suốt thời gian của hiệp 2 sau khi dẫn trước Chelsea 1-0 để bảo toàn chiến thắng. Các khán đài sân Pleiku không còn bùng nổ như hồi đầu mùa. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… các cầu thủ HA.GL cứ là “con ngoan, trò giỏi” như hình ảnh đã được xây dựng nên, nhưng cũng hãy là các cầu thủ thông minh trên sân cỏ.      

Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… liệu có thể chờ đợi sẽ được các đối thủ “nhẹ chân” khi đối diện với các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á, vốn giàu thể lực hơn Việt Nam, như Malaysia, Thái Lan, hay Myanmar…?