Habeco: Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh doanh 2019

2019 được xem là năm khá thành công với Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) khi doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trở lại và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, bất chấp tình hình thị trường nhiều khó khăn. Cơ cấu tài chính mạnh, dòng tiền tốt cùng vị thế đầu ngành với thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy đang là nền tảng vững chắc để Tổng công ty kỳ vọng tiếp tục đạt được những kết quả khả quan trong niên độ mới.

Lợi nhuận quý IV/2019 tăng trưởng mạnh

Báo cáo tài chính hợp nhất của Habeco vừa công bố tiếp tục cho thấy những điểm sáng trong bức tranh tài chính, kinh doanh trong quý IV/2019. Cụ thể, trong quý cuối năm 2019, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 2.769 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018.

Việc biên lợi nhuận tiếp tục được cải thiện lên mức 23,97%, tăng 1,97 điểm phần trăm so với kết quả đạt được trong quý IV/2018 giúp Habeco thu về 663,6 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2018 - gấp đôi mức tăng trưởng của doanh thu.

Ngoài việc giá lúa mạch thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nguyên nhân giúp biên lợi nhuận gộp của Habeco cải thiện được đánh giá còn đến từ nỗ lực quản lý chi phí khi các chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí khác phục vụ quá trình sản xuất đều được tiết giảm hiệu quả.

Cùng với chi phí bán hàng giảm mạnh, kết quả, Habeco đã thu về 102,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2019, ghi nhận quý có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Càng tích cực hơn khi mức tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính, thay vì những khoản thu nhập đột biến, bất thường.

Lũy kế cả năm 2019, Habeco đạt 9.438,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,7% so với năm 2018. Dù mức tăng doanh thu cả năm còn thấp do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong quý II, nhưng mức tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm là điểm sáng, với tỷ lệ gần 10% mỗi quý.

Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2019 của Habeco đạt 25,93%, tăng so với mức 24,7% của năm 2018, góp phần quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế đạt 687,5 tỷ đồng, tăng 9,75% so với năm 2018 - gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 539,5 tỷ đồng, tăng 11,4%, vượt 74% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra.

Năm 2019 cũng đánh dấu việc Tổng công ty xây dựng lại chiến lược sản phẩm, thương hiệu mới bằng việc cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới vào tháng 5/2019 và hai sản phẩm bia mới vào tháng 6/2019 đã được thị trường đánh giá cao.

Hanoi Bold và Hanoi Light là cặp sản phẩm mới được Habeco tung ra thị trường vào tháng 6/2019.

Để tạo đà tiêu thụ sản phẩm, tăng trưởng doanh thu, Habeco đã đẩy mạnh đầu tư cho công tác bán hàng, khiến chi phí bán hàng 9 tháng đầu năm 2019 tăng mạnh, chủ yếu là tăng chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ bán hàng.

Quý IV/2019, các chi phí này giảm mạnh, nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng tốt, có thể thấy việc đầu tư của Habeco cho công tác marketing và quảng bá hình ảnh thương hiệu đã và đang đem lại những kết quả khả quan.

Như vậy, sau năm 2018 ghi nhận mức giảm cả về doanh thu và lợi nhuận, bức tranh kinh doanh của Habeco trong năm 2019 nhìn chung đã cải thiện đáng kể, phản ánh những nỗ lực tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng, song song với mở rộng mạng lưới phân phối, từng bước gia tăng thị phần tại các thị trường mới, nhưng vẫn giữ vững thị phần tại các khu vực truyền thống.

Bức tranh tài chính tiếp tục khả quan

Trong năm 2019 ghi nhận việc Habeco chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ “khủng” lên đến 75,57% mệnh giá (7.557 đồng/cổ phiếu).

Qua đó, Habeco trở thành một trong những doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức cho cổ đông cao nhất trên sàn chứng khoán trong năm 2019.

Việc chi ra dòng tiền lên đến 1.751,7 tỷ đồng để trả cổ tức đã khiến thị trường e ngại về nguồn lực dự trữ bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, tính đến cuối năm 2019, báo cáo tài chính của Habeco cho biết, Tổng công ty vẫn có 2.877 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản với tỷ lệ 36,7%.

Kết quả này có được là nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh trong năm qua tiếp tục ghi nhận thặng dư lớn, đạt 1.086,8 tỷ đồng, gấp 1,58 lần lợi nhuận trước thuế thu được.

Doanh thu, lợi nhuận và biên lợi nhuận của Habeco đều tăng trưởng trở lại trong năm 2019

Góp phần đáng kể vào kết quả này là công tác quản trị tồn kho, phải thu đạt hiệu quả.

Tính đến cuối năm 2019, giá trị 2 khoản mục lần lượt giảm 2,16% và 19,3% so với đầu năm, dù doanh thu cả năm tăng trưởng.

Cùng với đó, các khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 185,41 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 28,78% so với đầu năm.

Những năm qua, dòng tiền tốt chính là một trong những điểm mạnh của Habeco, ngay cả trong giai đoạn khó khăn khi doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, một mặt giúp Tổng công ty có được nguồn lực tài chính dự trữ, mặt khác là từng bước giảm nợ, kéo giảm chi phí tài chính, cải thiện lợi nhuận.

Tính đến 31/12/2019, nợ vay của Habeco là 469 tỷ đồng, giảm 133 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, các khoản nợ vay ngân hàng đều là các khoản vay của các đơn vị thành viên phục vụ cho hoạt động đầu tư tài sản và bổ sung vốn lưu động tại đơn vị thành viên, tại công ty mẹ không phát sinh bất cứ khoản vay, cho vay nào.

Tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn khá an toàn, ở mức 6%.

Nợ vay giảm giúp chi phí lãi vay trong năm 2019 giảm gần 1/3 so với năm 2018, xuống 30,9 tỷ đồng.

Ngược lại, doanh thu tài chính, chủ yếu là từ lãi tiền gửi lên đến 171,9 tỷ đồng, gấp 5,56 lần chi phí tài chính.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận hợp nhất của Tổng công ty.

Với quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, tính đến hết năm 2019, nộp ngân sách Nhà nước của Habeco ước đạt 4.888,63 tỷ đồng.

Sau những kết quả khả quan ghi nhận trong năm 2019, cơ cấu tài chính vững mạnh, dòng tiền tốt cùng với vị thế đầu ngành và thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy chính là nền tảng vững chắc để Habeco có thể kỳ vọng tiếp tục đạt được những kết quả kinh doanh khả quan trong niên độ mới.

Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, định hướng phát triển trong những năm tiếp theo, Habeco xác định chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp là tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với chất lượng cao hơn nữa, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu tại thị trường trong nước và khu vực; cam kết hướng đến cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước, nhân lên niềm tự hào hàng Việt Nam.