Hai con tàu chở container được Cty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Quảng Bình (gọi tắt: Cty Tàu thủy) tổ chức hạ thủy có tên NASICO OCEAN. Tàu có trọng tải 4.822 tấn, chiều dài hơn 103m, rộng 15,8m, đủ chỗ cho 260 container hàng hoá, vận tốc khai thác 12,5 hải lý/giờ.
Cty Tàu thủy tiền thân là Xí nghiệp Cơ khí Tàu thuyền Thủy sản Nhật Lệ, chuyên đóng những con tàu gỗ có trọng tải nhỏ. Đến năm 2002, xí nghiệp được sáp nhập làm Cty con của Tập đoàn Vinashin với tham vọng vươn ra biển lớn bằng việc đóng những con tàu vỏ sắt có trọng tải 400 đến 500 tấn.
Theo cách giải thích của lãnh đạo đơn vị chủ quản, nguyên nhân của việc ra đời 2 chiếc tàu lớn là do sau khi xây dựng nhà máy, không có các đơn hàng nhỏ nên Cty được Cty mẹ là Vinashin ủng hộ cho đơn hàng đóng hai con tàu này.
Nhà máy đóng tàu Nhật Lệ (thuộc Cty cổ phần công nghiệp tàu thủy Quảng Bình) nằm cách cầu Nhật Lệ chừng 1km về phía thượng nguồn. Đơn vị chủ quản giải thích, việc tàu không có cabin là để chui qua cầu Nhật Lệ. Nếu hoàn thiện cabin ngay tại nhà máy thì toàn bộ thân tàu sẽ có chiều cao 14m, trong lúc gầm cầu Nhật Lệ cách mặt nước chỉ hơn 7m. Mặc dù chưa có cabin, nhưng thân tàu đã cao hơn 10m. Muốn ra biển, người ta phải bơm một lượng nước vào trong, đủ để dìm thân tàu xuống nhằm tránh vướng gầm cầu.
Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm ở Đồng Hới, thì cầu Nhật Lệ chưa phải là “cửa ải” quan trọng mà cửa biển Nhật Lệ mới là vấn đề nan giải đối với 2 con tàu này. Khoảng 10 năm trở lại đây, do phía thượng nguồn sông Nhật Lệ bị ngăn làm đập thuỷ lợi, cùng với một thời gian dài trên con sông này không có lũ lụt lớn nên cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng nghiêm trọng.
Một ngư dân ở Đồng Hới cho biết: “Tàu cá chúng tôi, khi có hàng còn phải neo đậu phía ngoài để chờ nước lên mới có thể vào được cửa Nhật Lệ. Huống chi hai con tàu to thế kia làm sao ra được, chỉ có nước nạo, hút cửa Nhật Lệ thì may ra”.
Một chuyên gia trong ngành thủy văn cho biết, đã 10 năm nay, cửa Nhật Lệ chỉ đạt độ sâu 0,8m. Với mức thủy triều đạt đỉnh trên 1m thì cửa biển Nhật Lệ cũng chỉ đạt độ sâu hơn 2m một chút. Trong lúc, mớn nước phần chìm của thân tàu NASICO OCEAN là 2m, cộng với tiết diện bề rộng của đáy tàu là 15m thì khó mà ra được cửa biển Nhật Lệ.
Ngoài khó khăn đưa hai tàu vượt 2 cửa ải trên sông Nhật Lệ thì việc lắp ráp cabin ở đâu cũng khiến Cty lúng túng. Bởi sau nhiều ngày chạy đôn chạy đáo liên hệ với phân cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, rồi đến cảng Hòn La xin “mượn” mặt bằng để lắp cabin nhưng đều bị từ chối vì lý do môi trường và ảnh hưởng hoạt động chung của cảng. Cuối cùng Cty đành chọn phương án lai dắt hai con tàu này ra tận Hải Phòng để hoàn thiện, lắp cabin tại Cty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu.
Nói về “cửa ải” thứ 2 là cửa Nhật Lệ, ông Lê Viết Hùng - PGĐ kỹ thuật Cty Cổ phần Tàu thủy cho hay: “Chúng tôi đã nhận được thông báo bảo đảm hàng hải là có thể lai dắt 2 con tàu này ra biển được. Tuy nhiên, cũng không trông chờ nhiều từ thông báo này, vì cửa biển Nhật Lệ biến động liên tục, chúng tôi đã đi khảo sát thực tế ở cửa biển Nhật Lệ và tiếp tục khảo sát trước khi lai dắt 2 con tàu ra biển để đảm bảo an toàn”.
Ông Hùng cũng cho biết phương án di dời nhà máy đi nơi khác để tránh phải đối mặt khó khăn tương tự trong tương lai.
Dư luận cho rằng, khó có thể biện minh là lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình, cũng như Cty Tàu thủy không biết đến những điều này, khi chọn địa điểm xây dựng nhà máy. Mới “mở hàng” được 2 con tàu (chưa hoàn thiện) trong thời điểm bão giá, thì lại phải tính đến việc di dời nhà máy, liệu có ổn cho một đơn vị còn quá non trẻ như Cty Tàu thủy?