Theo đó, 10 mẫu bệnh phẩm có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 tại 6 quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai, Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai được gửi đến Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện giải trình tự gen.
Thống kê của ngành Y tế TP cho thấy trong tuần qua ghi nhận số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, tay chân miệng tiếp tục gia tăng. Cụ thể ghi nhận 493 ca mắc COVID-19, tăng hơn 7 lần so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 756 ca mắc COVID-19.
CDC nhận định trong thời gian tới thành phố có thể gia tăng số ca mắc mới COVID-19 vì theo đánh giá của CDC Hà Nội, hiện tình hình dịch COVID--19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, virus biến đổi liên tục tạo các biến thể mới tăng khả năng lây nhiễm. Vì thế CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch để xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát. CDC Hà Nội yêu cầu, các đơn vị trong ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trên thế giới và Việt Nam để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Tuần qua Hà Nội ghi nhận 80 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 1,5 lần so với tuần trước. Tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội có 378 ca mắc tay chân miệng, trong khi cùng kì năm ngoái chỉ có 5 ca. Có 6 ổ dịch tay chân miệng tại các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ và Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 20 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn 9 ổ dịch đang hoạt động.
Riêng tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) tuần qua cũng gia tăng trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Hiện tại, mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 10-15 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú và 5-7 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong đó có một số ít trường hợp diễn biến nặng.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết: “Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4”..
Bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Vì thế bác sĩ khuyến cáo vệ sinh thân thể, đồ dùng, khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng phòng bệnh tay chân miệng.