Hà Nội: 'Cá chép bơi đi, nilon ở lại'

TPO - Sau lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23/12 âm lịch, người dân Thủ đô lại mang cá ra sông, ao hồ phóng sinh, 'tiễn ông Táo về chầu trời'. Thông điệp 'thả cá đừng thả túi nilon' tiếp tục lan toả mạnh mẽ trong ngày 23 tháng Chạp.

Thả cá, đừng thả túi; Đừng để Táo Quân mang rác lên chầu; Xin đừng thả túi nylon xuống sông hồ… tiếp tục là những thông điệp đang được lan tỏa mạnh mẽ trong ngày tiễn ông Công ông Táo năm nay.

Theo quan niệm dân gian, cá chép là "phương tiện của ông Công ông Táo lên thiên đình tâu với Ngọc Hoàng những việc làm năm qua của gia chủ" - phải được thả trước 12h ngày 23 âm lịch. Sau lễ cúng tại nhà, người dân mang cá phóng sinh ở sông, ao hồ

Người dân thả cá theo ròng rọc tự chế tại cầu Long Biên.

Theo quan niệm dân gian, Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở gian bếp của người Việt xưa. Trong ngày Tết ông Công ông Táo, người dân thường cúng 3 con cá chép sống để cúng rồi mang ra ao, hồ, sông để thả cá.

Phía dưới chân cầu, cá chưa kịp bơi đi xa đã có thuyền của người dân đi 'trục vớt'.

Để giúp người dân dễ dàng thả cá chép xuống ao, hồ, nhiều nơi đã lắp những "máng trượt" riêng độc đáo như thế này.

Ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong tại một khu chung cư thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã lắp những "máng trượt" cho người dân thả cá được thuận tiện hơn.

So với những năm trước, người dân đã rất ý thức trong việc thả cá. Không còn tràn lan cảnh ném, đổ ụp hay vứt cả túi nylon cùng cá xuống hồ nữa.

Tuy nhiên nước ao hồ tại 1 số điểm của hồ Hoàng Cầu, nơi người dân thả cá đang bị ô nhiễm...

Theo quan niệm sau lễ cúng ông Công ông Táo, người dân có thói quen tỉa chân nhang sau đó hoá số chân nhang này cùng với tàn tro, mang ra thả xuống ao, hồ cùng với thả cá. Điều này làm môi trường sống của cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.