Hà Nội: 8 bé nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem
> Lo ngay ngáy khi tiêm lại vắc xin Quinvaxem
> Trẻ tử vong tại Quảng Trị không liên quan tiêm vắc xin
Ngày 11/11, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm đơn nguyên 1 (Bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, vài ngày gần đây, khoa đã tiếp nhận 8 trẻ bị phản ứng sau tiêm Quinvaxem, trong đó có 1 ca có phản ứng sốt co giật.
Sốt, phát ban toàn thân
Trong 8 bệnh nhi nhập viện này, bệnh nhi lớn nhất đã 2 tuổi, bệnh nhi nhỏ nhất là 4 tháng tuổi. Trong đó có 4 cháu bị sốt và phát ban nhẹ ở chân, bụng, 1 bé bị phát ban đỏ toàn thân. Ngoài ra, có 1 trường hợp không bị sốt, nhưng gia đình nghi cháu bị tím tái nên đưa vào viện. Bệnh nhi này, sau điều trị 1-2 ngày thì không có biểu hiện gì, sức khỏe bình thường.
Như trường hợp của bé T.C.C (7,5 tháng ở Quốc Oai, Hà Nội) được tiêm vắc xin Quinvaxem sáng ngày 7/11, đến chiều thì sốt nhẹ và xuất hiện vài chấm ban đỏ ở bụng. Tuy nhiên đến ngày hôm sau bệnh nhi bị phát ban đỏ toàn thân, nên gia đình lo lắng đưa vào viện Nhi. Bác sĩ Lâm cho biết, đây chỉ là dị ứng thông thường khi sốt. Hiện sức khỏe cháu bé đã ổn định, có thể xuất viện.
Đặc biệt, có 1 bệnh nhi bị phản ứng sau tiêm khá đặc biệt với triệu chứng sốt cao co giật. Mặc dù đến nay, bệnh nhi N.M đã hết sốt cao nhưng mỗi ngày đều xuất hiện cơn co giật một lần và hiện vẫn đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương. Bé gái này là con đầu lòng, sinh đủ tháng, đẻ thường, tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Trước đó, bé đã được tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, 1 mũi lao, 2 mũi Quinvaxem và uống vắc xin bại liệt, các mũi tiêm này hoàn toàn bình thường, không có phản ứng.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tất cả các ca có phản ứng không mong muốn sau tiêm này đều đã được báo cáo. Riêng với bé gái 10 tháng tuổi bị sốt cao, co giật, hiện Trung tâm vẫn đang phối hợp chặt với BV Nhi Trung ương theo dõi tiến trình điều trị của bệnh nhi để xác định nguyên nhân co giật của bé.
Không phải do vắc xin!
Theo báo cáo, bé gái N. M (sinh 12/2012, tại Phú Xuyên, Hà Nội) được tiêm mũi thứ 3 vắc xin Quinvaxem sau 5 tháng tạm dừng. tại trạm Y tế xã lúc hơn 9h sáng ngày 4/11. Khoảng 4 tiếng sau tiêm, bệnh nhi bắt đầu sốt, có lúc lên đến 39 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Đến 6h30 phút chiều bệnh nhi xuất hiện co giật, gia đình đưa vào trạm y tế xã, sau đó được chuyển ngay lên BV Nhi TƯ.
Sau khi được chuyển vào khoa Truyền nhiễm, bệnh nhi đã được điều trị hạ sốt cao. Sau một đêm nhập viện bé không còn sốt cao, chỉ còn sốt nhẹ 37 độ C. Tuy nhiên, mỗi ngày bệnh nhi này đều xuất hiện một cơn co giật kéo dài khoảng 1 phút. “Chúng tôi đã kiểm tra, tiến hành làm các xét nghiệm đều không thấy có liên quan gì đến vắc xin, nghi nhiều co giật do động kinh nên bệnh nhi đã được chuyển lên khoa Thần kinh điều trị”, bác sĩ Lâm cho biết.
Theo bác sĩ Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Nhi TƯ), hiện không có bằng chứng gì cho thấy việc động kinh của cháu liên quan đến vắc xin. Việc cháu N.M bị lên cơn động kinh sau khi tiêm là do sốt gây co giật và phát bệnh trùng hợp.
Trước đó, trả lời về phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, các phản ứng sau tiêm như: phản ứng sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), phản ứng tại chỗ (sưng nóng đỏ đau, kích thích một chút) là những phản ứng nhẹ thông thường của vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Theo WHO tỉ lệ này khá phổ biến sau khi dùng vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, tỉ lệ này có thể là trên 10%, thậm chí lên 50% các trường hợp sau tiêm. Như vậy đây là phản ứng nhẹ thông thường của vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, các gia đình không nên quá lo lắng, phản ứng này sẽ tự hết sau một thời gian ngắn.
Cũng theo GS Hiển, vắc xin này cũng có thể gây phản ứng nặng hơn một chút, tím tái, co giật, tỉ lệ này chiếm rất nhỏ, là phản ứng phụ nhẹ, an toàn, không nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Theo Hồng Hải
Dân Trí