Ðắt sô ca nhạc
Một lần hiếm hoi anh được đạo diễn liveshow của Hồng Nhung gọi điện xin phép. Sau đó lại được diva trực tiếp cảm ơn. Họa sĩ đồng ý nhận cát-xê bằng một cặp vé. Cũng có show ca nhạc truyền hình nhắc tên họa sĩ khi giới thiệu bài hát, với Chương thế là đủ.
Có khi tình cờ anh đi xem ca nhạc và thấy người ta vô tư dùng hình ảnh của mình. “Tang vật” bạn bè quay phim chụp ảnh gửi cho cũng nhiều, nhưng tính Chương không muốn làm ầm lên. Hay bị thuổng, vì tranh anh, ai nhìn cũng thấy đẹp và thấy một Hà Nội rất đặc biệt. Thứ nữa, do Chương thường để ảnh tranh chất lượng cao trên Facebook cho sinh viên học tập, thời anh còn là giảng viên ĐH Mỹ thuật. Anh lại còn thanh minh cho những người dùng chùa: “Chắc nhiều người tưởng đó là một thứ công cộng, miễn phí. Chứ không đến mức biết là tranh của mình mà cố tình ỉm đi.”
Không phải tình cờ mà tranh của Chương hay được chọn để minh họa cho những bài hát về Hà Nội. Trong khi ảnh đẹp về Hà Nội chả thiếu. Để có những bức tranh “thật” hơn ảnh, ngoài tài năng, họa sĩ còn phải yêu đối tượng mà mình vẽ.
Chương bắt đầu vẽ hiện thực từ năm 2000. Trước đó anh đã có giải thưởng, sống khỏe bằng bán tranh theo phong cách biểu hiện pha dân gian, trước đó là trừu tượng. Nhàn nhã, vì mấy phong cách này dù gì vẽ cũng nhanh hơn. Nhưng Chương vẫn có chút hoang mang, thậm chí còn cảm thấy bế tắc. Chương con nhà nòi (bố là họa sĩ Phạm Công Thành), học vẽ từ nhỏ, kỹ năng tả thực của anh luôn được đánh giá cao. Khi quay về với sở trường, anh có thể chắc chắn mình là mình, không lẫn với ai.
Góc phố quen
18 năm với khoảng 150 bức tranh ưng ý. Tất cả đều về Hà Nội, mà chỉ loanh quanh phố cổ. Nhưng Chương vẫn đem lại cho người xem những bất ngờ, mỗi khi tuyên xưng những góc phố nhỏ, vô danh.
Nếu mỗi bức ảnh giữ lại chỉ một khoảnh khắc thì một bức tranh của Chương có không biết bao nhiêu… Như Góc phố quen giản dị vậy nhưng Chương mất gần năm rưỡi để hoàn thanh. Đó là góc Lê Văn Hưu cắt Ngô Thì Nhậm mà Chương đã để ý. Tình cờ gặp khách đặt hàng đúng góc đấy. Lý do đơn giản vì hồi bé, cô ấy sống gần đó. Chuyển đi rồi, thỉnh thoảng vẫn quay về ăn chè. Cô ra đề bài: một Hà Nội ẩm ướt, u ám, trời rét- tức thời điểm dễ gợi lên việc ăn chè nhất.
Chương đến nơi, chụp ảnh, ký họa và nhận thấy về mùa đông góc phố khá tối tăm, chả có hình khối gì. Anh chờ đến mùa xuân, thấy đám cây ra hoa rất đẹp nhưng nắng vẫn còn yếu, chưa làm bật lên đường nét của các ngôi nhà. Lại ký họa, chụp ảnh, báo khách chờ đến mùa hè “để tìm cái nắng hay”. Dù thừa sức bịa, nhưng Chương vẫn muốn biết màu nắng ấy thật sự thế nào.
Chương kể: “Mùa hè đúng có nắng, chiếu vào vỉa hè và cây thành ra một không khí lung linh. Nhưng có cái dở là không tạo ra chất khô. Mọi người lại mặc quần soóc, may-ô. Mình vẫn thích những dáng ngồi ăn chè lúp xúp, co ro. Lại chờ đến mùa thu xem có gì khác…”. Và rồi Chương chờ nốt đến mùa đông tiếp theo để tổng hợp tất cả những gì anh muốn vào tranh.
Năm tháng sau đó dành để vẽ. Khách hàng trong lúc chờ đợi đã kịp nhờ người khác nhưng thành phẩm lại không ưng... Rút cuộc Chương vẽ quần áo mùa đông, nắng đương hè, màu lá chỉ mùa xuân mới có. Tranh xong, ai xem cũng kêu là mùa thu. Nhưng thực ra đó là mùa thứ 5, riêng trong tranh của Chương.
Giao kèo vẫn chưa xong. Chương muốn đưa Góc phố quen vào TP.HCM triển lãm cùng nhóm Hiện Thực. Khách có chút lo lắng, biết đâu họa sĩ phá hợp đồng, bèn đưa hẳn công ty luật đến nhà riêng họa sĩ làm giấy tờ đặt cọc. Trước đó để thoải mái trong sáng tác, Chương không cầm tiền. “Bức này không thể thuộc về ai khác. Nó phải là của em,” nữ khách hàng 7X khẳng định.
Bốn mùa rõ rệt của Hà Nội là một trong những yếu tố khiến Chương thích thú. Sinh ra ở phố cổ, thời sinh viên ký họa từng góc phố, Chương chứng kiến và song hành cùng thời gian Hà Nội. Hà Nội trong tranh anh trông có vẻ hoài niệm nhưng chính là Hà Nội sống động của hôm nay. Chương thích vẻ đẹp tự nhiên của đời sống. Anh không có nhu cầu lý tưởng hóa hoặc “chỉn chu hóa” nó thêm.
Cư dân phố cổ
Giống như những người yêu nhau luôn muốn ở cùng nhau, Chương cũng không muốn rời xa chủ đề của mình. Nơi anh sinh Hàng Gà, năm học lớp 2, bố mẹ được phân nhà ở tập thể ĐH Văn hóa. Khi đủ điều kiện ra riêng, thay vì một căn chung cư hiện đại, Chương lại gom tiền mua một căn gác ở Lương Ngọc Quyến- ngay khu đi bộ. Mười năm sống trọn với phố cổ cũng là giai đoạn sung sức nhất của Chương với 4 triển lãm cá nhân.
Phố cổ ngoài cung cấp dưỡng khí cho sáng tác cũng đem lại một cuộc sống thú vị ngay cả trong những phiền toái. “Ở phố cổ, mình được ăn ngon, được cà-phê, được vẽ, được khám phá sự thay đổi của một góc phố suốt 365 ngày,” Chương kể. “Tiện lợi bậc nhất, cái gì cũng có luôn. Mặt trái là sự chật chội. Phải gửi xe máy cách đó một đoạn. Ô-tô lại cách vài trăm mét nữa…”
Hằng ngày, để lấy ô tô, trước hết Chương phải đi lấy xe máy. Bãi đông nên lấy được xe không phải lúc nào cũng dễ. Rồi lái xe máy đến bãi gửi ô-tô, để xe máy lại đó. Khi muốn về nhà, lật lại từng đấy lệ bộ. “Buồn cười là tất cả sự phiền toái đó làm cho mình luôn bận rộn, bức bối nhưng lại sản sinh ra một thứ vui thích: À gửi được xe rồi, vào nhà mở TV giải trí mới thư giãn làm sao! Đâm ra ở phố cổ có thể bực nhưng rất ít thời gian để buồn”, Chương kết luận.
Và cũng vì sợ nỗi buồn phải rời xa những góc phố quen, nơi anh thuộc tên tất cả những người bán nước, Chương quyết định giữ căn gác Lương Ngọc Quyến làm xưởng vẽ. Và mua thêm căn chung cư cho gia đình cách đây 4 năm...
Căn chung cư ở khu trung tâm mới, tiện lợi hơn phố cổ. Liệu một ngày nào đó Chương sẽ chuyển qua vẽ Hà Nội phố mới, như người khai thác mỏ, hết chỗ này bèn đào chỗ khác? “Với họa sĩ chỉ có con tim mách bảo,” anh đáp. “Cái gì gây cảm giác yêu thích, tôi sẽ vẽ thôi. Phố mới cũng đề tài hay, làm tranh mình khác đi. Nhưng hiện tôi chưa cảm nhận được cái hay đó”.
Cảm xúc tạo nên ranh giới đề tài, góp phần định hình phong cách từng nghệ sĩ. Thực tế, tất cả những gì lộn xộn của Hà Nội như mái tôn, bạt nhựa hay ma trận dây điện… cũng đã làm nên thành công của nhiều họa sĩ. Thế nên Chương cứ giữ lấy những góc phố thân quen của mình. Như một sứ mệnh Hà Nội chọn gửi anh.
Căn chung cư ở khu trung tâm mới, tiện lợi hơn phố cổ. Liệu một ngày nào đó Chương sẽ chuyển qua vẽ Hà Nội phố mới, như người khai thác mỏ, hết chỗ này bèn đào chỗ khác? “Với họa sĩ chỉ có con tim mách bảo,” anh đáp. “Cái gì gây cảm giác yêu thích, tôi sẽ vẽ thôi. Phố mới cũng đề tài hay, làm tranh mình khác đi. Nhưng hiện tôi chưa cảm nhận được cái hay đó”.