Trong số này phải kể tới khoản nợ tại VietinBank trị giá 1.422 tỷ đồng (nợ gốc 567 tỷ đồng) của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà, do bà Võ Thị Thu Hà làm giám đốc. Khoản nợ này có các tài sản đảm bảo gồm: 5 lô đất tại Bình Phước; 4 lô đất tại Bình Dương; 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp.
Sau nhiều lần thanh lý không thành công, đến nay, các tài sản thế chấp đã được ngân hàng hạ giá xuống chỉ còn 148 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Một khoản nợ khó bán khác dù đã trải qua 14 rao là khoản nợ 447 tỷ đồng của CTCP Thép Việt Nhật (trong đó dư nợ gốc là 194 tỷ đồng) tại BIDV. Dù cho, nhà băng này đã giảm giá khởi điểm xuống còn 133 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo cho khoản vay này chỉ là 1 quyền sử dụng đất tại Hải Phòng cùng một vài xe ô tô, xe đầu kéo được sản xuất từ trước năm 2000.
Tương tự, cũng tại BIDV, là khoản nợ trị giá 253 tỷ đồng (nợ gốc 97 tỷ đồng) của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang rao bán đến lần thứ 13 nhưng vẫn chưa có người mua. Giá khởi điểm cho lần thông báo gần nhất là 235 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Vietcombank, trong khoảng 2 năm gần đây, cái tên Công ty TNHH Việt Trường Sơn được nhắc đi nhắc lại trong những bản thông báo bán nợ của ngân hàng. Khoản nợ gốc 12 tỷ đồng hiện đã thành 33,39 tỷ đồng, ngân hàng mong muốn thu về 19 tỷ đồng, nhưng đã qua hàng chục lần rao bán vẫn không thành, kể cả khi tài sản đảm bảo là 6 lô đất tại Đà Lạt.
Tại Ngân hàng Agribank, khoản nợ 348 tỷ đồng (nợ gốc 96 tỷ đồng) từ các hợp đồng tín dụng hình thành trong giai đoạn 2002-2006 giữa Agribank Cần Thơ và Nông trường Sông Hậu của bà Trần Ngọc Sương (bà Ba Sương) đến nay vẫn khiến cho ngân hàng phải vất vả trong việc tìm người mua. Trong lần rao bán gần nhất, khoản nợ này được giảm xuống còn 98 tỷ đồng nhưng vẫn rất khó có đối tác chấp nhận.
Một số khoản nợ không có khả năng thu hồi do lãnh đạo doanh nghiệp đang bị truy nã, khiến ngân hàng càng trầy trật hơn trong việc thu hồi nợ xấu. Chẳng hạn như khoản nợ trị giá hơn 6 tỷ đồng (nợ gốc chỉ còn 8 triệu đồng) của CTCP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia tại Agribank. Dù tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 9 lô đất tại Long An, nhưng những vướng mắc về pháp lý của tài sản dẫn đến việc ngân hàng nhiều lần rao bán nhưng không có người mua, dù giá khởi điểm này chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.
Hay như khoản nợ hơn 389 tỷ đồng (nợ gốc 212 tỷ đồng) của CTCP Giấy BPP tại VietinBank Bắc Phú Thọ. Sau hơn 1 năm rao bán, từ mức giá khởi điểm 350 tỷ đồng nay xuống còn 80 tỷ đồng nhưng ngân hàng vẫn chưa thể thanh lý thành công.
Toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục khác phục vụ sản xuất giấy, 5 xe ô tô, cùng quyền sử dụng đất có diện tích 18.945m2 đã được CTCP Giấy BPP đem thế chấp cho khoản vay này.
Thẩm định giá quá cao?
Nếu các khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản khó bán, khoản nợ có tài sản đảm bảo là những con tàu chở hàng hoặc tàu đánh cá còn khó bán gấp bội do mặt hàng này kén khách mua. Theo thống kê, Vietcombank là một trong những ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ có tài sản đảm bảo là tàu đánh cá nhất, trong khi MSB đang rao bán một loạt tàu biển chở hàng.
Tổng giám đốc một công ty đấu giá chuyên thực hiện các phiên đấu giá tài sản cho các ngân hàng cho rằng, sở dĩ việc đấu giá các khoản nợ hoặc các tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn là do ban đầu ngân hàng thẩm định giá trị tài sản quá cao. Trong khi đó, giá khởi điểm thường được các ngân hàng đưa ra cao hơn khoản nợ gốc.
“Những tài sản đảm bảo là động sản như xe ô tô, máy móc, tàu bè được coi là tiêu sản, mất giá theo năm tháng nên thường phải bán với mức giá bèo bọt. Thậm chí, có những tài sản đảm bảo là siêu xe từng thuộc sở hữu của chủ xe đang vướng vòng lao lý, tâm lý của mọi người là sợ đen đủi nên không sẵn sàng bỏ tiền ra mua”, vị này nói.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố cho hay, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng chỉ còn 1,92%. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của các ngân hàng, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng tại một số nhà băng như Bản Việt, LienVietPostBank, VIB, Saigonbank, GPBank, VietBank,..