Gút, bệnh từ miếng ăn

Bệnh gút thường gặp ở nam giới tuổi trung niên khỏe mạnh, mập mạp (trên 95%). Do, họ ăn quá nhiều chất đạm, đồng thời uống nhiều bia rượu.
Ảnh minh hoạ: Internet

Người hàng xóm nhà tôi, ông Nguyễn Văn Tuân, ở đường Phan Xích Long, quận Tân Bình, Tp.HCM, 55 tuổi, nặng gần 80 kg. Một tuần đến mấy bận, cứ sau giờ làm việc là ông lại cùng bạn bè, đồng nghiệp kéo nhau vào quán “nhậu” uống bia, rượu và ăn uống đủ các loại “đồ nhắm”. 

Còn khi về nhà ông cũng ăn uống với chế độ toàn thịt và mỡ, ăn rất ít rau và hoa quả, gần như không uống nước lọc. Trọng lượng cơ thể ông ngày một tăng, ông lại không dùng biện pháp tập luyện hay ăn kiêng gì. Một ngày tự nhiên ông thấy chân tay sưng tấy, đau nhức không thể di chuyển được. Đến lúc đó ông đành phải đi bác sĩ và được chẩn đoán là mắc bệnh gút.

Gút xảy ra khi lượng axit uric tăng quá mức trong máu, làm lắng đọng các tinh thể xung quanh các khớp thường là trong các ngón chân cái, bàn chân, mắt cá chân hay đầu gối gây ra hiện tượng viêm đau, triệu chứng điển hình. Bệnh gút có thể được kiểm soát tốt bằng chế độ thuốc men đều đặn và liên tục, phối hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.

Trong cơ thể của con người, chất đạm là một thành phần quan trọng trong dinh dưỡng của mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người có tuổi. Các loại thức ăn: tôm, cua, sò, ốc, hến, ếch, cá nước ngọt, thịt chim, trứng, đạm thực vật, cá biển nói chung đều không cần kiêng tuyệt đối. Miễn sao, số lượng đạm từ các thức ăn đó không vượt quá nhu cầu cần thiết hàng ngày. Hạn chế uống rượu, bia, nên uống nhiều nước.

Nên tăng cường ăn rau xanh, uống nhiều nước, uống các loại nước khoáng có nhiều gas (bicarbonate) vì sẽ làm kiềm hóa nước tiểu và tăng mức lọc cầu thận, thuận lợi cho việc thải bớt axit uric ra ngoài.

Cần duy trì một chế độ tập luyện, vận động thường xuyên, vừa sức. Ngâm chân nước nóng vào mỗi tối, tắm sông, tắm biển cũng rất tốt. Tránh gắng sức, tránh căng thẳng, tránh thức quá khuya, tránh lạnh, tránh dầm mưa lạnh.

Khi bệnh chuyển sang mãn tính cần có chế độ tập luyện thường xuyên, kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để tránh teo cơ, cứng khớp và hạn chế biến dạng khớp.

Bệnh gút đang ngày càng trở nên phổ biến. Khi có bệnh cần tới các thầy thuốc chuyên khoa sớm để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng và sớm, duy trì một nếp sinh hoạt, ăn uống phù hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh, tránh các hậu quả xấu ở khớp, ở thận và ở các cơ quan liên quan đặc biệt là tim mạch.

Theo Theo SKGĐ