Gội đầu bị bỏng

TP - Mấy ngày nắng khủng khiếp, ông  N. H. D (Thanh Hóa) hì hụi sửa lại cái mái nhà, cho thêm ít giấy dầu lên trên mái cho đỡ nóng. Cuối ngày, ông lăn ra cảm, người lúc lạnh, lúc nóng xình xịch...

Do người nhớp nháp, hôi rình, ông quyết tâm tắm gội. Vợ ông lo cho chồng, nấu một nồi nước to đùng để ông tắm.

Rót ra một chậu nước âm ấm cho chồng, bà vợ còn rót thêm chiếc gáo to  đầy nước nóng để nếu thiếu thì ông có thể pha thêm. Đang gội đầu, thấy hết nước trong chậu, ông quờ tay vớ lấy chiếc gáo, dội luôn lên đầu. Vợ ông hét lên thất thanh nhưng không kịp, toàn bộ gáo nước sôi đã được dội lên đầu ông.

Ngay lập tức, ông nhảy dựng lên vì bỏng. Vợ ông đang cuống cuồng chưa biết làm thế nào thì thấy ông bảo kéo cho ông gầu nước giếng. Rồi ông dội nguyên cả gầu nước lên đầu, chẳng nghĩ gì đến chuyện kiêng khem vì mình đang bị bệnh.

Sau đó, đầu ông hạ hỏa đi nhiều, nhưng toàn bộ da đầu của ông vẫn đỏ tấy lên. Tại bệnh viện huyện, gia đình ông được biết ông bị bỏng độ 2, cần điều trị một thời gian sẽ khỏi.

GS Lê Thế Trung, Chủ tịch Hội đồng tư vấn y học thảm họa, Bộ Y tế cho biết, việc dội hoặc ngâm vị trí bỏng vào nước lạnh giúp hạ nhiệt độ tổn thương. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dội nước mắm, dấm hay bôi kem đánh răng... vào chỗ bỏng như nhiều người vẫn làm theo mách bảo. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ làm vết bỏng tổn thương nặng nề hơn do nhiễm trùng.