Giữ vững lưới điện truyền tải trong mọi tình huống

Với sản lượng điện truyền tải tăng trưởng bình quân 10.9 % hàng năm, luôn truyền tải cao trên đường dây 500 kV Bắc - Nam, dẫn đến nhiều đường dây và máy biến áp đầy tải, quá tải, tuy nhiên EVNNPT đã áp dụng mọi giải pháp nhằm giảm tổn thất điện năng trên lưới và đạt được kết quả khả quan, tổn thất lưới điện đã giảm từ 3.14 % năm 2008 xuống còn 2.45 % năm 2017.
Trong giai đoạn 2008-2017, EVNNPT đã nỗ lực giảm tổn thất lưới điện từ 3.14 % năm 2008 xuống còn 2.45 % năm 2017.

Trong bối cảnh mới được thành lập (năm 2008), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đối mặt với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, lưới điện truyền tải luôn vận hành trong tình trạng căng thẳng, đặc biệt là truyền tải Bắc - Nam rất cao, không đảm bảo dự phòng, nhiều thiết bị vận hành lâu năm xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.

 Bên cạnh đó, công tác thu xếp vốn trong giai đoạn đầu từ khi thành lập còn gặp rất nhiều khó khăn và giá truyền tải điện còn rất thấp. Tất cả những bất lợi đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý vận hành, sửa chữa và đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.

Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, sâu sát và quyết liệt của lãnh đạo EVNNPT cùng tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao độ của tập thể cán bộ công nhân viên trong toàn EVNNPT, EVNNPT đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo các mục tiêu truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

 

Quản lý vận hành an toàn, hiệu quả trên quy mô lớn

Các số liệu cho thấy, khối lượng quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp truyền tải trong 10 năm qua tăng trưởng bình quân cao, đạt từ 7.79 % đến 10.49 %, trong khi đó tổng số vụ sự cố xảy ra trên lưới điện truyền tải có xu hướng giảm, trong đó các năm gần đây từ 2014 đến 2017 tổng số vụ sự cố đều giảm so với năm 2008.

Trong công tác vận hành, lưới truyền tải 500 kV Bắc - Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng cũng như đảm bảo cung cấp điện. Trước năm 2011, xu hướng truyền tải cao tư Nam ra Bắc, sau năm 2011 xu hướng truyền tải công suất trên đường dây 500 kV Bắc - Nam chủ yếu theo chiều từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với công suất và sản lượng truyền tải cao trong cả năm.

Để đảm bảo cấp điện cho HTĐ miền Nam, các đường dây 500 kV Bắc - Nam thường xuyên phải truyền tải công suất cao, đặc biệt là trên giao diện Trung - Nam, trong khi đó các giàn tụ bù dọc trên đường dây 500 kV có dòng định mức 1000 A dẫn đến xảy ra quá tải khi thủy điện miền Bắc phát cao. Việc truyền tải cao công suất trên đường dây 500 kV tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xảy ra sự cố gây mất ổn định hệ thống điện.

Do đó, EVNNPT đã khẩn trương đưa vào vận hành đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Quảng NinhHiệp Hoà, Quảng Ninh - Thường Tín, Phú Lâm - Ô Môn, Vĩnh Tân - Sông Mây, Sơn La - Lai Châu và các trạm biến áp như 500 kV Đăk Nông, Thạnh Mỹ, Vũng Áng, Phố Nối, Pleiku 2,... góp phần giảm mức mang tải của các phần tử trong khu vực, tăng độ liên kết hệ thống, giải tỏa công suất các nhà máy, cải thiện điện áp, nâng cao độ an toàn, tin cậy và kinh tế trong chế độ vận hành bình thường và sự cố.

Đặc biệt là đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đã góp phần làm tăng giới hạn truyền tải giao diện Trung - Nam. Bên cạnh đó, để tăng khả năng tải trên đường dây 500 kV Bắc - Nam, EVNNPT đã đầu tư và hoàn thành nâng dung lượng tụ bù dọc trên các đường dây 500 kV từ 1000 A lên 2000 A, các giàn tụ bù này sau khi đưa vào vận hành đã nâng khả năng tải của đường dây, tránh quá tải trong chế độ vận hành bình thường và cải thiện điện áp hệ thống.

 

Trong chế độ thấp điểm đêm, nhiều thời điểm vẫn xảy ra điện áp cao tại các trạm Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Dốc Sỏi, Pleiku, Đăk Nông, Di Linh, đặc biệt là trong các ngày nghỉ lễ. Do số lượng nhà máy có khả năng chạy bù ít và khả năng hút vô công thấp dẫn đến trong chế độ thấp điểm đêm các ngày cuối tuần và nghỉ lễ, nhiều thời điểm phải tách một số mạch đường dây 500 kV và 220 kV để điều chỉnh điện áp.

Để đảm bảo vận hành ổn định điện áp hệ thống, EVNNPT đã lắp đặt các kháng bù ngang trên lưới (Thạnh Mỹ, Pleiku 2, Cầu Bông, Sông Mây, Đà Nẵng...) và lắp đặt máy cắt kháng để đóng cắt linh hoạt trong các chế độ vận hành. Nhìn chung điện áp trên lưới 500 kV đã ổn định, năm 2017 điện áp vận hành trên lưới 500 kV đã tốt hơn nhiều so với các năm trước đây. Tập trung giảm thiểu tối đa sự cố và tổn thất điện năng Công tác quản lý kỹ thuật trong nhiều năm gần đây đã được các đơn vị chú trọng thực hiện và nâng cao về mặt chất lượng.

Năm 2016, Tổng công ty đã thành lập Tổ phân tích sự cố thuộc Tổng công ty, các Công ty Truyền tải điện thành lập Tổ phân tích sự cố trực thuộc đơn vị để tổ chức phân tích các sự cố xảy ra trên lưới điện truyền tải. Tổ phân tích sự cố đã hoạt động có hiệu quả, kịp thời phân tích sự cố xảy ra trên lưới và đã đề xuất được các giải pháp khắc phục và ngăn ngừa sự cố.

Theo đó, về đường dây, các Công ty Truyền tải điện đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm sự cố do sét như sửa chữa hệ thống tiếp địa 23.412 vị trí/68.922 tia tiếp địa; lắp đặt 897 dây néo giảm tổng trở sóng theo kết quả nghiên cứu của ĐHBK Hà Nội; điều chỉnh chiều dài mỏ phóng 29.878 chuỗi/6.839 vị trí; tăng cường 48.689 chuỗi/6164 vị trí; thay chuỗi composite cho khu vực có sự biến đổi độ ô nhiễm cao, khu vực có sương muối cho 11.207 chuỗi /2899 vị trí; vệ sinh cách điện 378 vị trí/51 đường dây tại các vị trí nhiễm bẩn và di chuyển được thiết bị; lắp đặt chống sét van 2416 bộ/875 vị trí; điều chỉnh góc bảo vệ dây chống sét tại 252 vị trí; lắp bổ sung 696 chống sét đa tia phân tán; lắp bổ sung 236 kim thu sét; đảo pha đường dây, xử lý lèo,...

Về trạm biến áp: Các đơn vị đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật vận hành, tuân thủ chế độ kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý vận hành; theo dõi chặt chẽ thực hiện kế hoạch thí nghiệm định kỳ, thí nghiệm đột xuất; hồ sơ quản lý kỹ thuật, thông số vận hành, lý lịch thiết bị, ghi nhận, theo dõi, báo cáo, xử lý các hư hỏng và khiếm khuyết thiết bị đã được cập nhật kịp thời; các đơn vị cũng kịp thời phát hiện và xử lý các bất thường...