Giữ chỗ chờ thời

TPO - Nhiều dự án BĐS vốn ngoại hàng trăm triệu USD tại Hà Nội vẫn đắp chiếu sau nhiều năm được cấp phép, với lý do nhà đầu tư đăng ký dự án nhằm giữ chỗ, trong khi năng lực tài chính hạn chế.

Trong báo cáo vừa được UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng cho thấy Hà Nội vẫn là địa phương thu hút trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, trong đó có lĩnh vực BĐS.

Hiện trên địa bàn TP có 95 dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên số dự án đang triển khai đúng tiến độ là rất ít, hầu hết các dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

“Trong số 88 dự án BĐS có vốn ngoại đã được giao đất với 1.500 ha, nhưng hầu hết dự án triển khai chậm so với tiến độ đăng ký, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn cố tình làm sai quy hoạch đã được phê duyệt”-Đại diện Sở Kế hoạch& Đầu tư cho biết.

Đứng đầu trong số danh sách các chủ đầu tư chậm triển khai phải kể đến dự án của Cty TNHH Booyoung VN (Hàn Quốc) tại khu đô thị Mỗ Lao-Hà Đông. Dù được bàn giao mặt bằng từ lâu và tổ chức khởi công hoành tráng từ đầu năm 2007, nhưng đến này dự án với 6 tòa nhà chung cư cao 30 tầng vẫn bất động. Thậm chí qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư hơn 4,3 ha đất sạch có hạ tầng đã giao cho Cty Booyoung hiện vẫn chỉ là những khu đất hoang chưa biết ngày hoàn thành.

Còn dự án “Tháp Thiên niên kỷ” tại phường Yết Kiêu- Hà Đông của Cty TNHH TSQ Việt Nam (100% vốn Ba Lan) đã làm cho nhiều nhà đầu tư BĐS trong nước tỏ ra “thèm muốn” khi mà tại vị trí đắc địa dự án được phê duyệt quy mô 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, với tổng vốn đầu tư 37,6 triệu USD.

Nhưng dù được cấp phép từ tháng 11-2006, đến nay dự án này vẫn là bãi đất hoang. Cũng do Cty TNHH TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án khu chung cư Euroland-Làng Việt kiều Châu Âu tại khu đô thị Mỗ Lao, ngoài chậm tiến độ chủ đầu tư đã tự ý xây dựng sai so quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, lô đất CT-01 có diện tích 8.238m2 được phê duyệt nhà ở 17 tầng; mật độ xây dựng là 35%. Thế nhưng năm 2009, Cty TSQ Việt Nam đã tiến hành xây dựng khu chung cư 29 tầng+2 tầng hầm và ký hợp đồng bán hàng trăm căn hộ trong số 12 tầng xây thêm khi chưa được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, hàng loạt dự án khác sau nhiều năm vẫn ì ạch như: Dự án khu phức hợp Giảng Võ (số 15- 17 Ngọc Khánh, quận Ba Đình) của Công ty TNHH Pacific Thăng Long được cấp phép từ tháng 12-2007 với quy mô vốn đầu tư 70 triệu USD, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai; Dự án “Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, khu luyện tập thể thao” tại xã Quang Minh huyện Mê Linh của Cty TNHH Togi Việt Nam (100% vốn Liên bang Nga); Dự án “Khu du lịch Bốn mùa” của Cty cổ phần du lịch Bốn Mùa tại thị xã Sơn Tây được cấp phép từ tháng 9-2007 với quy mô vốn đầu tư 1,5 triệu USD đến nay cũng chưa triển khai…

Cẩn trọng các dự án vốn ngoại!

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội-Nguyễn Văn Khôi, ngoại trừ một số dự án BĐS có diện tích nhỏ, chủ đầu tư đảm bảo tiến độ, còn lại phần lớn các dự án đều chậm tiến độ so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài một số nguyên nhân như: Do bối cảnh kinh tế khó khăn đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp; Thị trường đóng băng khiến tiến độ triển khai dự án bị ảnh hưởng; khó khăn trong khâu GPMB… thì một kiểu “lách luật” phổ biến để trì hoãn việc thực hiện dự án là sau khi được cấp phép, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án để giãn tiến độ, đặc biệt năng lực tài chính nhiều chủ đầu tư rất hạn chế.

“Vốn đầu tư thực hiện các dự án luôn có một độ trễ nhất định so với vốn đăng ký (chỉ bằng 40% vốn đầu tư đăng ký), trong khi nhiều doanh nghiệp do năng lực tài chính yếu vì vậy chỉ đăng ký để giữ chỗ nên cũng gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án”-Ông Khôi phân tích.

Điều đáng nói nhiều dự án đăng ký là vốn nước ngoài nhưng lại huy động nguồn vốn trong nước. Cụ thể, thống kê cho thấy tính đến thời điểm này các tổ chức, cá nhân trong nước đã góp 2,35 tỷ USD (chiếm 25% tổng vốn pháp định/vốn điều lệ đăng ký) vào các dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trong nước cũng đã đổ gần 500 triệu USD vào các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài dưới các hình thức vay ngân hàng, vay của nhà đầu tư (chiếm 13% vốn đầu tư thực hiện); còn con số huy động từ khách hàng khoảng 463 triệu USD (chiếm 12% vốn đầu tư thực hiện).

Theo các chuyên gia BĐS, vốn FDI được coi là lối thoát cho một số doanh nghiệp BĐS trong nước trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên cần phải cẩn trọng khi mà nó đang bộc lộ nhiều bất cập. “Một số doanh nghiệp FDI đăng ký dự án đầu tư lớn, được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi nhưng lại chậm triển khai, chậm giải ngân, thậm chí tìm cách chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án dẫn đến hiệu quả dự án đầu tư ban đầu không cao.

Ngay cả việc sử dụng vốn vay, vốn huy động trong nước chiếm tỷ trọng lớn rất nguy hiểm vì trong trường hợp dự án gặp rủi ro sẽ gây phản ứng dây chuyền. Vì vậy, cần có những chế tài xử lý nghiêm việc chậm tiến độ và những vi phạm khác của chủ đầu tư””- Bà Châu Thu Nga, Hiệp hội BĐS VN cho biết.

Theo Viết