Giới đầu cơ vàng, chứng khoán đã hết bất an?

Một loạt thông tin kinh tế lạc quan từ Mỹ đã giúp chứng khoán hồi phục mạnh, dầu thô tăng nhẹ, kéo lùi đà tiến của thị trường vàng trong phiên giao dịch hôm 11-8. Phải chăng đây đã là những tín hiệu tích cực cho thấy nhà đầu tư đang bình hòa trở lại?

Giới đầu cơ vàng, chứng khoán đã hết bất an?

> Hoảng loạn tái diễn, Phố Wall chìm sâu
> Chứng khoán thế giới giảm mạnh

Một loạt thông tin kinh tế lạc quan từ Mỹ đã giúp chứng khoán hồi phục mạnh, dầu thô tăng nhẹ, kéo lùi đà tiến của thị trường vàng trong phiên giao dịch hôm 11-8. Phải chăng đây đã là những tín hiệu tích cực cho thấy nhà đầu tư đang bình hòa trở lại?

Chứng khoán thế giới liệu đã ổn định?

Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 6-8 đã giảm 7.000 xuống 395.000 người, thấp nhất kể từ đầu tháng 4. Đây là một tín hiệu nhỏ nhưng cũng đã giảm bớt phần nào những lo ngại về triển vọng kinh tế.

Cùng ngày, trong bài phát biểu trước giới công nhân ngành sản xuất ôtô, Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa sẽ đưa ra những cách tiếp cận mới, những ý tưởng mới mỗi tuần để tạo thêm việc làm, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong một động thái khác, cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban Thị trường và Chứng khoán châu Âu (ESMA) cho hay, kể từ ngày 12-8, các quốc gia châu Âu gồm Bỉ, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ thi hành lệnh cấm mới về hoạt động bán khống.

ESMA cho biết trong thông báo: “Chính phủ một số quốc gia đã quyết định áp đặt hay kéo dài lệnh cấm bán khống nhằm hạn chế hoạt động trục lợi từ các tin đồn giả mạo cũng như đem lại một sân chơi công bằng”.

Quyết định này được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu phiên 10-8 chao đảo dữ dội bởi tin đồn Pháp sắp bị hạ bậc tín nhiệm. Cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai nước Pháp, Societe Generale, rơi thẳng 15%, bất chấp lãnh đạo ngân hàng trước đó đã phủ nhận tin đồn trên.

Đây là một nỗ lực của khu vực châu Âu trong việc khôi phục lòng tin do thị trường đang chịu tác động bởi những tin đồn thất thiệt, chi phí vay cao... ESMA cho biết, trong điều kiện bình thường, bán khống không có gì là lạ, nhưng khi kết hợp với tin đồn, bán khống trở thành một hành vi bị lạm dụng.

Cụ thể, theo kế hoạch này, Pháp và Tây Ban Nha sẽ cấm bán khống cổ phiếu tài chính 15 ngày. Bỉ sẽ áp dụng lệnh cấm vô hạn định trong khi chưa có chi tiết rõ ràng về quy định tại Italy. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia từ Hy Lạp cho đến Hàn Quốc, đã quyết định cấm bán khống.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11-8 cho biết không có cuộc thảo luận nào về cứu trợ tài chính cho Síp sau khi cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng quốc gia này có thể cần viện trợ tài chính từ các đối tác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, bà Chantal Hughes - phát ngôn viên của bà Olli Rehn - cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế, cho biết: "Hiện chúng tôi vẫn chưa có gì thay đổi và vẫn chưa có kế hoạch viện trợ nào danh cho Síp được thảo luận. Nền kinh tế Síp về cơ bản vẫn mạnh".

Cùng liên quan tới châu Âu, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm qua đã đưa ra thời hạn một tuần cho bộ trưởng tài chính và ngân sách phải có được biện pháp cắt giảm gánh nặng nợ nần, trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và sức khỏe các ngân hàng.

Quyết định cuối cùng về mức cắt giảm chi tiêu năm 2012 sẽ được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng François Fillon vào ngày 24/8 tới.

Trong bài phát biểu của mình tại điện Elysee, Tổng thống Sarkozy đã đưa ra lời cam kết rằng, Pháp sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách từ mức 7,1% của năm ngoái xuống còn 3% vào năm 2013 dù tình hình kinh tế có biến chuyển thế nào.

Tại châu Á, đúng như dự đoán của giới phân tích, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm qua đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5% trong tháng thứ 2 liên tiếp. Trước đó, Hàn Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 4,7%, so với mức tăng 4,4% trong tháng 6-2011.

Thống đốc BOK Kim Choong-Soo cho biết sẽ phân tích cẩn thận tình hình bên ngoài khi đưa ra các quyết định về chính sách lãi suất trong tương lai. Điều này cho thấy sự thận trọng của BOK trong việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đã được cải thiện với mức 49,1%, so với con số 79,1% trước đó, trong khi dự trữ ngoại hối hiện tại của nước này là 311 tỷ USD trong tháng 7-2011, lớn thứ 7 thế giới.

Cùng ngày, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép chính phủ phát hành trái phiếu bù đắp thâm hụt ngân sách tài khóa 2011. Dự luật cần được thông qua để đảm bảo khoảng 40% khoản thu ngân sách tài khóa 2011, bắt đầu từ tháng 4-2011.

Tất cả những thông tin trên đã mang lại sự khởi sắc trên các thị trường chứng khoán, dầu thô quốc tế và kéo lùi đà tiến của kim loại vàng. Cụ thể, giá dầu thô ngọt, nhẹ loại hợp đồng tháng 9 tăng 2,83 USD, lên 85,72 USD/thùng trên sàn New York, mức đóng cửa tốt nhất của loại dầu này trong gần một tuần qua.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 423,37 điểm, tương ứng 3,95%, lên 11.143,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 51,88 điểm, tương ứng 4,63, lên 1.172,64 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 111,63 điểm, tương ứng 4,69%, lên 2.492,68 điểm.

Tương tự ở châu Âu, các sàn chứng khoán khu vực này cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch 11-8. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 2,89% lên 3.089,66 điểm. Chỉ sô FTSE 100 của Anh nhảy 3,11% lên 5.162,83 điểm, trong khi chỉ số DAX của Đức tăng 3,56% lên 8.249,90 điểm.

Trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới trải qua phiên giảm thê thảm nhất trong 7 tuần. Đóng cửa phiên 11-8, giá vàng giao tháng 12 giảm 32,8 USD, xuống 1.751,5 USD/ounce, phiên giảm nhiều nhất kể từ ngày 23-6. Trước đó, giá đã lập kỷ lục 1.817,6 USD/ounce, và có lúc rớt xuống 1.734,5 USD/ounce.

Tâm lý nhà đầu tư trên khắp các thị trường, đặc biệt là chứng khoán, đã bình ổn trở lại. Phiên hôm qua, chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khá nhiều. Điều này dẫn tới những suy đoán rằng, những quan ngại vừa qua đang dần bị lu mờ.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thận trọng lại cho rằng, sự khởi sắc này chỉ là ngắn hạn và đà giảm của các thị trường vẫn còn. Với thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế Stephen J Guilfoyle cho hay, "xu hướng hiện này là đi xuống. Chúng ta đang có một ngày tăng điểm mạnh, nhưng rất không ổn định".

Còn trên thị trường dầu, Ker Chung Yang, nhà phân tích hàng hóa thuộc hãng Phillip Futures trụ sở tại Singapore, nhận định, hiện các thị trường vẫn đang chịu nhiều sức ép từ các thị trường chứng khoán toàn cầu và tâm lý của giới đầu tư nói chung vẫn còn rất bất ổn trước những gì đang xảy ra ở Mỹ và châu Âu.

Theo Diệp Anh
VnEconomy

Theo Tổng hợp