Sức mua giảm mạnh
Vốn được coi là chợ truyền thống có sức mua dồi dào bậc nhất quận Tây Hồ, nhưng hiện nhiều tiểu thương tại chợ Bưởi đành phải sang nhượng cửa hàng tại đây vì hàng ế ẩm.
Chị Thu Nga, chủ quầy thịt chia sẻ: “Chưa năm nào hàng quán ế ẩm như năm nay. Nhìn chung mặt hàng thịt bây giờ giảm nhiều: trung bình 100.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán vì người dân ít mua”.
Chị Nga cho biết thêm, ngày trước mỗi cân thịt lãi từ 3.000 - 4.000 đồng nhưng nay chỉ lãi từ 1.000 - 2.000 đồng vì tồn nhiều.
Trước đây tại chợ có 20 quầy thịt nhưng nay chỉ còn hơn 10 quầy vì bán trong chợ nhiều loại phí, rồi tiền điện, nước... trong khi hàng không bán chạy nên nhiều người không trụ được, bỏ nghề.
Vòng qua các siêu thị khác như: Fivimart (Cầu Giấy), Coopmark (Hà Đông), Hapro (Hai Bà Trưng) lượng khách đến siêu thị vừa phải và không phải đợi quá 5 phút để thanh toán giỏ hàng.
Nhân viên thu ngân của Coopmark Hà Đông cho biết: “Qua tết âm lịch thì lượng khách đến mua sắm tại siêu thị sụt giảm nên khách không phải đợi lâu khi thanh toán. Trước đây có gia đình vào siêu thị thanh toán lên đến mấy chục triệu, với giỏ hàng thực phẩm có xuất xứ nước ngoài như: thịt bò, rượu ngoại... thì nay hầu như không có ”.
Đi lại mấy lần trước quầy thịt gà đông lạnh tại Coopmark nhưng rồi cô Minh Thảo (64 tuổi ở Triều Khúc, Hà Đông) cũng chỉ chọn rau. Cô Thảo cho biết: “Tôi nghỉ hưu rồi nên chỉ ở nhà trông cháu cho con đi làm, giá cả bây giờ thứ gì cũng tăng”.
Bà Nguyễn Thu Hiền – Giám đốc điều hành Tổng Cty Hapro cho biết: “Do sức mua của khách hàng giảm đáng kể nên ảnh hưởng doanh số của hệ thống siêu thị của Hapro. Tính 6 tháng đầu năm bao gồm cả tháng tết mà doanh số của siêu thị vẫn giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái 10 – 15%”.
Theo bà Hiền thì sức mua của khách hàng sụt giảm do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn. “Hiện nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho nhân viên nghỉ việc”, bà Hiền nói.
Cùng neo giá
Còn bà Vũ Thị Hậu - Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, trung tuần tháng 6, 14 hệ thống siêu thị áp dụng giảm giá một số mặt hàng thực phẩm như nước mắm, dầu ăn Neptune, Simply, đồ hộp Hạ Long, gia cầm của Cty CP trong khoảng từ 1-9%. Còn thực tế 20.000 mặt hàng của gần 1.000 nhà cung cấp vẫn chưa có thông báo giảm giá.
Đại diện hệ thống siêu thị Intimex cho biết, 60% mặt hàng lương thực, thực phẩm của 20.000 mặt hàng của siêu thị chưa giảm giá. Còn tại siêu thị Big C thay vì giảm giá, siêu thị này chỉ khuyến mãi.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó TGĐ Big C Thăng Long cho rằng, hiện sức mua của khách hàng tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thiết yếu, phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hóa mĩ phẩm, gia dụng,…
“Hiện 80% khuyến mãi tại siêu thị là của nhà cung ứng, 20% là của siêu thị. Tuy khuyến mãi quanh năm nhưng chỉ có 50% là khuyến mãi lành mạnh còn lại là không lành mạnh. Nhiều siêu thị chỉ khuyến mãi hàng tồn, hoặc nâng giá lên rồi giảm giá xuống 50%. Cái này không phải là kích thích tiêu dùng...”
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định:
“Hầu hết các siêu thị đều ảnh hưởng bởi sức mua giảm từ 10 – 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giảm ở đây gồm 3 khía cạnh: thứ nhất giảm ở trị giá hóa đơn thanh toán; giảm số lần đến siêu thị mua hàng; và giảm số lượng hàng hoá, đến 80% hàng hoá khách hàng mua là đồ ăn”.
Trước nghịch lý sức mua giảm thì siêu thị phải giảm giá, khuyến mãi nhưng thực tế giá không giảm, chủ yếu là khuyến mãi, ông Phú cho hay: “Hiện, bản thân các nhà cung ứng vẫn chưa chịu giảm giá.
Lãi suất hiện nay đang giảm dần, nên đáng ra nhà sản xuất phải giảm để hạ giá chung, kích thích tiêu dùng”.