Giấu bố mẹ đi thi… bất ngờ đăng quang
Người hâm mộ không còn lạ lẫm trước câu chuyện Đỗ Thị Hà từng giấu bố mẹ bí mật đăng ký dự thi Hoa hậu Việt Nam 2020. Nữ sinh Đại học Kinh tế Quốc dân khi ấy dành hết số tiền tiết kiệm mình có được để trang trải cuộc thi.
Hà thổ lộ vì bố mẹ đều là nông dân và làm tự do, tài chính hạn hẹp nên cô không muốn gia đình vất vả thêm vì mình.
Khi được con gái gọi điện thông báo đã vào bán kết toàn quốc, ông Đỗ Văn Tào bật khóc vì thương. “Nếu Hà cho tôi biết, tôi sẽ giúp đỡ con ngay từ đầu. Gia đình tuy không khá giả nhưng có thể chia sẻ, động viên hay cho con chi phí để đi thi. Tôi khóc rất nhiều khi biết chuyện con giấu bố mẹ đi thi hoa hậu”, ông Đỗ Văn Tào giãi bày.
Cho đến khi Đỗ Thị Hà đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020, bố mẹ cô vẫn không thôi áy náy vì thời gian đầu con gái phải tự mình xoay xở. Theo ông Đỗ Văn Tào, mỗi tháng gia đình chu cấp cho Hà 3 triệu đồng để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Dù mức sống ở thành phố khá đắt đỏ nhưng Hà chưa bao giờ gọi điện về xin thêm. Cô cũng đi làm thêm để có thu nhập phụ giúp gánh nặng cho bố mẹ.
Về sau, chia sẻ với Tiền Phong, Hoa hậu Đỗ Thị Hà thổ lộ chính những giọt nước mắt của bố giúp cô có động lực và quyết tâm chinh phục vương miện. “Bố tôi hiếm khi rơi nước mắt nhưng bố đã khóc lúc gặp tôi trước vòng bán kết toàn quốc. Ngay khi biết tin, bố đã vội vã từ Thanh Hóa ra Hà Nội để cổ vũ và động viên tôi. Tôi thực sự rất xúc động. Những giọt nước mắt của bố đã cho tôi động lực để đi đến đêm chung kết và may mắn giành được vương miện cao quý”, Hoa hậu Đỗ Thị Hà tâm sự.
Cô gái suýt phải lấy chồng năm 17 tuổi dự thi hoa hậu
Đó là trường hợp của thí sinh Nguyễn Thị Phượng trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020. Phượng sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Thường Xuân, Thanh Hóa. Câu chuyện Phượng suýt phải lấy chồng năm 17 tuổi khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Cuộc sống khó khăn nên khi Phượng học lớp 11, bố mẹ đã sắp xếp để ép cô đi lấy chồng. Tuy nhiên, không chịu khuất phục trước số phận, Phượng phản đối và thể hiện quyết tâm học tập.
Phượng tâm sự cô mong muốn tương lai của mình cũng như gia đình đỡ vất vả hơn nên đã chọn con đường học tập để tiến gần tới thành công. Đặc biệt, Phượng muốn phá vỡ định kiến của bố mẹ cũng như một số người dân nơi cô sinh sống là phải lấy chồng sớm.
Ước mơ của cô đã toại nguyện khi cô trúng tuyển vào Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Niềm vui chưa tày gang Phượng đối mặt với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Với sự quyết tâm cao độ, Phượng đi làm thêm, mẫu ảnh, đóng quảng cáo để có tiền trang trải việc học và chi phí sinh hoạt.
Phượng thổ lộ lý do cô đăng ký dự thi Hoa hậu Việt Nam một phần muốn bố mẹ có thêm niềm tin và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về những định kiến xưa cũ. Cô đặt mục tiêu vào chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 để có thể tự hào nói với ba mẹ rằng: “Con gái của ba mẹ đã không chọn sai”.
Năm đó, Phượng lọt Top 5 Người đẹp Nhân ái và Top 35 chung cuộc. Câu chuyện của Phượng truyền cảm hứng cho rất nhiều thí sinh vượt nghịch cảnh để tự tin trong các cuộc thi nhan sắc sau này.
Chia sẻ với Tiền Phong, Phượng cho biết cô cảm thấy bản thân thay đổi rất nhiều từ sau khi bước ra khỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020.
“Hoa hậu Việt Nam là ngôi nhà giàu tình yêu thương. Các thí sinh không xem nhau là đối thủ mà luôn quan tâm, chia sẻ và cùng nhau thực hiện những điều tốt đẹp cho xã hội. Có thể nói quyết định tham gia Hoa hậu Việt Nam là điều đúng đắn nhất trong thanh xuân của tôi. Cuộc thi giúp tôi học hỏi nhiều điều và tạo nền tảng để tôi biết được mình cần phải làm gì cho mình hoàn thiện hơn. Tôi nhận ra điểm yếu và điểm mạnh của mình. Tôi cũng nhân ái và biết yêu thương hơn”, Phượng nói.
Mẹ Á hậu Thanh Tú kể chuyện đưa con đi thi HHVN 2016
Là người đồng hành cùng con gái trong suốt cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, cô Nguyễn Thị Loan hiểu hơn ai hết về những gì các thí sinh đã vượt qua.
“Đó là một hành trình vô cùng vất vả. Chỉ nói riêng về đêm tổng duyệt trước chung kết, chiếc khăn bông dành để lau mồ hôi cho các thí sinh đều ướt đẫm. Mồ hôi các em tứa ra nhiều tới nỗi không thể mặc nổi trang phục. Không kể những ngày tập luyện từ sáng đến trưa dưới trời nắng ở vòng chung khảo phía Bắc. Vì tổ chức ở sân khấu ngoài trời, lại đúng vào dịp nắng nóng nên các thí sinh HHVN mặc áo chống nắng kín mít, đeo khẩu trang, đội mũ lúc tập luyện. Nhưng có rèn luyện, có đi qua những khó khăn như thế thì khi nhận về phần thưởng hay danh hiệu xứng đáng mới thật sự sung sướng”, cô Loan tâm sự.
Cũng từng là phụ huynh theo sát con gái Trà My trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ nên cô Loan thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc sự khác biệt của mỗi cuộc tuyển chọn sắc đẹp.
Mẹ á hậu tâm đắc hơn cả ở HHVN là phần thi Người đẹp Nhân ái. “Có thể thấy cuộc thi HHVN ngày càng thú vị. Tôi nghĩ Người đẹp Nhân ái có sự lan tỏa và chiều sâu. Thông qua đó các thí sinh thấm đẫm được ý nghĩa trong từng hành động của mình gắn với từng dự án, từng vùng đất mình đặt chân”, cô Loan nói.
Cả á hậu Thanh Tú và mẹ đều thích thú khi nhắc đến sự thân thiện giữa ban tổ chức, người quản lý với thí sinh và người nhà. Cô Loan kể: “Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ban tổ chức cuộc thi nào thân thiện tới mức dắt thí sinh đi ăn ốc, bún bò hay đi uống trà sữa. Có lẽ, ban tổ chức không chỉ là những người đồng hành với thí sinh mà họ thực sự đồng cảm, chia sẻ. Hơn nữa, ban tổ chức cùng hỗ trợ thí sinh chuẩn bị đồ dùng, trang phục”.
Theo Á hậu Thanh Tú, những thí sinh không tự chuẩn bị được trang phục đều được ban tổ chức hỗ trợ và giúp chọn đồ phù hợp. Những bộ đồ dạ hội đều của các nhà thiết kế nổi tiếng.
Cuối cùng, để nói về cuộc thi, cô Loan chia sẻ điều khiến cô mãn nguyện nhất không phải chuyện danh hiệu mà đó là tình cảm của các thí sinh dành cho nhau, đặc biệt là bộ ba: Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu 1 Ngô Thanh Thanh Tú và Á hậu 2 Huỳnh Thị Thùy Dung.
“Tình cảm mà 3 đứa dành cho nhau có lẽ là điều tuyệt vời và thành công của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016”, mẹ Á hậu Thanh Tú trải lòng.